Đổi mới nào cho sách giáo khoa Việt Nam?

TP - Bộ sách Toán của Pháp, bằng tiếng Việt giới thiệu tại Hà Nội hôm 11-9, NXB Giáo dục ấn hành được coi như bộ tài liệu để những nhà soạn thảo sách tham khảo và chuẩn bị cho tiến trình đổi mới sách giáo khoa từ năm 2015 - 2020.

> Sách Toán của Pháp được giới thiệu tại Việt Nam

 Nền giáo dục của ta đã không kịp cập nhật so với nền giáo dục thế giới 12 năm qua. Việt Nam cần một những cuốn SGK bổ ích, triết lý, có mục tiêu và mang tính cạnh tranh

Ông Ngô Trần Ái - Giám đốc NXB Giáo dục cho biết

GS.TS Nguyễn Như Ý, Giám đốc Cty Sách dịch và Từ điển, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam trong buổi giới thiệu cuốn sách Toán của Pháp bằng tiếng Việt tại Hà Nội cho biết: “Hiện nay, đã có 7 ấn bản sách lớn về sách giáo khoa (SGK) của Anh, Pháp, Nhật, Mỹ, Đức, Australia đã được dịch ra tiếng Việt và phát hành tại Việt Nam. Giáo dục Việt Nam đã trải qua ba cuộc cải cách lớn nhưng đều cải cách nhỏ lẻ, chắp nhặt. Việt Nam cần biên soạn các bộ SGK mà nền tảng cải cách tựa vào chính những bộ SGK của các nước tiên tiến”.

Bộ sách Toán của Pháp, ấn bản bằng tiếng Việt hiện mới chỉ có 10 đầu sách (từ lớp 1-3, và lớp 6-7). Do chương trình giáo dục của Pháp cứ 10 năm đổi mới một lần, và 5 năm thay đổi chi tiết, nên ấn bản tiếng Việt bộ sách này dành cho lớp 4-5 và 8-12, đang cập nhật.

“Cuốn sách Toán của Pháp in ấn đẹp, tôi nghĩ giống Giáo sư Hồ Ngọc Đại, trẻ con học mà chơi - chơi mà học, vì thế cuốn sách rất hợp phong cách này” - Giáo sư Đoàn Quỳnh nói về bộ sách Toán của Pháp.

Sách dành cho giáo viên khá dày, bản bằng tiếng Việt dày tới 400 trang (in hai màu), trong khi SGK (bốn màu) chỉ có hơn trăm trang. Giáo sư Văn Như Cương chia sẻ: “Sách hướng dẫn giáo viên chi tiết về mặt lý luận, không xem thường giáo viên. Tuy nhiên, SGK này tôi thấy bài tập dành cho các em học sinh hơi nhiều - tới hơn 50 bài tập cho mỗi tiết học”.

Theo tính toán của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, việc học toán trong trường phổ thông của trẻ em Pháp nhiều hơn hẳn trẻ em Việt Nam về cả số tiết lẫn số giờ học cho mỗi lớp học, cấp học.

Một nhà biên tập sách của Viện Khoa học Giáo dục cho hay, phía cuối sách đều có ghi nhớ, chỉ dẫn tỉ mỉ cho các học sinh chưa thuộc bài. Các hoạt động đều dễ hiểu, ngoài ra còn có thêm các mẫu phiếu bài tập hằng ngày.

Ông Vũ Kim Thủy, Tổng biên tập Tạp chí Toán tuổi thơ cũng đưa ra nhận xét, sách Toán của Pháp phong phú, nhiều thông tin về các lĩnh vực như môi trường, du lịch, có cả công thức làm bánh… thật gần gũi, không khô khan.

Trẻ em học Toán nhưng lại biết tới tiền tệ, đến lớp 6-7 phải biết được khái niệm lỗ lãi, tiền hoa hồng…

Theo GS Nguyễn Như Ý bên cạnh việc chọn sách giới thiệu Toán của Pháp, sắp tới Nhà xuất bản Giáo dục sẽ giới thiệu SGK của Mỹ, Australia, sách Toán của Pháp được giới thiệu trước vì tính ổn định và gần gũi với người Việt Nam.

Bản thân, hệ thống giáo dục của Pháp khá hoàn chỉnh. Để đổi mới giáo dục cần căn bản và triệt để. Những bộ sách dần dần được giới thiệu được coi là nền tảng cho bộ sách của riêng Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, dịch giả, chủ biên bộ sách Toán của Pháp cho biết: “Ở Pháp, một NXB có thể phát hành nhiều bộ sách, thêm nhiều sự lựa chọn cho học sinh, giáo viên và phụ huynh”.

Anh Đỗ Hoàng Sơn, đại diện của bên phát hành sách tâm sự: “Sách về giáo dục của Việt Nam cần phải có bảng tra cứu theo vần, sẽ mang tính quốc tế hóa hơn. Để sách, nhất là SGK năm 2015-2020 tới phải cạnh tranh được với Games và Web. Nghĩa là kênh hình phải đẹp. Bên cạnh đó, Internet phát triển, để đỡ phí trong việc in ấn, SGK sẽ chuyển tải được 60% trên bản in, còn 40% là phần mở rộng, bài tập dành cho học sinh sẽ được tải miễn phí từ mạng. Còn riêng sách dành cho giáo viên sẽ tải hoàn toàn từ Internet. Với những vùng sâu – vùng xa, NXB chỉ cần một số lượng nhỏ đủ để phát hành”.

Giáo sư Đoàn Quỳnh nói thêm, “SGK của ta còn rẻ quá. Thay đổi phải theo nền kinh tế của ta, đừng rùm beng, vì chúng ta không đủ kinh phí để xuất bản đâu! Một chuyên gia ở Nhật Bản khen SGK Việt Nam đấy”.

Theo Báo giấy