Ngày 16/10/2022, Hàn Quốc phát hiện 12 máy bay Triều Tiên diễn tập tấn công mặt đất ở khu vực gần khu phi quân sự, khiến Seoul phải điều 30 máy bay chiến đấu ra đối phó. Hai ngày sau, Triều Tiên triển khai một đợt diễn tập trên không quy mô lớn, với sự tham gia của 150 máy bay.
Ngày 4/11, 80 tiêm kích Hàn Quốc được điều đi ngăn chặn, sau khi 180 máy bay Triều Tiên xuất hiện trên radar Hàn Quốc. Ngày 26/12, năm máy bay không người lái bay suốt 5 giờ đồng hồ trong không phận Hàn Quốc trước khi trở về Triều Tiên. Một chiếc trong số đó còn vào cả vùng cấm bay trên văn phòng tổng thống Hàn Quốc ở Seoul.
Yếu nhưng đông
Những hoạt động và quy mô như vậy gây chú ý vì Không quân Triều Tiên được đánh giá là nhánh yếu nhất trong quân đội của nước này.
Vài chục năm trước, Không quân Triều Tiên (KPAAF) là lực lượng lớn và tương đối mạnh, nhờ sự hỗ trợ của Liên Xô và Trung Quốc.
Tuy nhiên, từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, năng lực của KPAAF suy giảm, dù vẫn sở hữu số lượng máy bay tương đối lớn.
Trong những năm 1980, Triều Tiên có thể lắp máy bay cánh cố định và trực thăng từ các bộ phận do Trung Quốc và Liên Xô cung cấp, nhưng hỗ trợ từ cả Mátxcơva và Bắc Kinh đều giảm mạnh sau năm 1991.
Trong những thập kỷ gần đây, các lệnh trừng phạt khiến Triều Tiên không thể mua máy bay, linh kiện và nhiên liệu máy bay, khiến ngành công nghiệp hàng không của nước này không thể phát triển. Bình Nhưỡng giờ chỉ có thể chế tạo loại máy bay 1 động cơ cánh quạt hạng nhẹ.
Những hạn chế đó, cùng với việc Bình Nhưỡng ưu tiên phát triển năng lực hạt nhân, tên lửa và bộ binh, khiến KPAAF phải tháo bộ phận từ những máy bay cũ để lắp sang máy bay mới hơn nhằm kéo dài thời thời gian hoạt động, đồng thời tìm đến thị trường chợ đen.
Triều Tiên được cho là đã mua những chiếc MiG-21 và linh kiện từ Mông Cổ năm 2011, mua một số chiếc MiG-21 từ Kazakhstan năm 1999, trước khi chính phủ quốc gia Trung Á ngăn chặn việc giao hàng.
Điều duy nhất mà KPAAF vẫn có thể tự hào là quy mô đội bay, với khoảng 110.000 binh lính và hơn 900 máy bay chiến đấu, theo số liệu của Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ. Những ước tính khác cho rằng Triều Tiên chỉ sở hữu 500 chiếc.
Hầu hết máy bay của Triều Tiên đều đã rất cũ. Khoảng 400 chiếc trong số đó là MiG-15, 350 chiếc là MiG-17, MiG-19 hoặc MiG-21. Những mẫu này được Liên Xô ra mắt từ những năm 1950.
KPAAF cũng có khoảng 90 máy bay ném bom Il-28 và 200 máy bay vận tải quân sự An-2, được sản xuất từ những năm 1940.
Đội máy bay hiện đại nhất của KPAAF, gồm các máy bay chiến đấu MiG-29, máy bay đánh chặn MiG-23, và máy bay tấn công Su-25, chủ yếu phụ trách nhiệm vụ bảo vệ Bình Nhưỡng.
Vì thiếu nhiên liệu và phụ tùng, số lượng máy bay thực sự còn hoạt động được của Triều Tiên ít hơn nhiều. Ví dụ, chỉ khoảng 18 trong tổng số 35 chiếc MiG-29 của nước này còn phục vụ.
Máy bay không người lái là tương lai
Triều Tiên hiểu rõ về sức mạnh trên không và kho tên lửa vượt trội của Hàn Quốc, vì thế đã đầu tư nhiều cho hệ thống phòng không tích hợp trong khi cố gắng hiện đại hoá.
Năm 2017, KPAAF ra mắt hệ thống tên lửa đất đối không KN-06, tương tự hệ thống S-300 của Nga. Năm 2020, nước này tiết lộ hệ thống phòng không tầm trung mới, giống hệ thống Tor của Nga. Tháng 9/2021, Triều Tiên thử hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa, na ná S-400 của Nga.
Về nỗ lực hiện đại hoá, tương lai của Triều Tiên có thể là máy bay không người lái. Nước này được nói là đã bắt đầu phát triển và mua sắm máy bay không người lái từ đầu những năm 1990, nên hiện có khoảng 500 máy bay không người lái thuộc 20 mẫu khác nhau, theo thông tin được một nghị sĩ Hàn Quốc đưa ra.
Năm 2021, nhà lãnh đạo Kim Jong Un cam kết phát triển năng lực máy bay không người lái trinh sát có thể bay gần 500km. Những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy nước này đang phát triển một mẫu mới. Theo giới quan sát, Bình Nhưỡng đang theo dõi hiệu quả hoạt động của các máy bay không người lái Iran trên chiến trường Ukraine và có thể đã mua một số chiếc giống như vậy.
Theo các nhà phân tích, khi Không quân Triều Tiên đang thua xa Hàn Quốc và Mỹ, máy bay không người lái có thể là cách thực tế duy nhất để KPAAF gây ra mối đe doạ. Vụ các máy bay không người lái Triều Tiên xâm nhập không phận Hàn Quốc hồi tháng 12 năm ngoái cho thấy mối đe doạ đó như thế nào, khi quân đội Hàn Quốc không thể bắn rơi bất kỳ chiếc nào trong số đó.