Đối mặt với cơn lốc tăng giá

TP - “Điều chỉnh mạnh và bất ngờ giá xăng dầu “cận” dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đã tác động đến tâm lý thị trường. Mặt bằng giá cả năm 2006 sẽ còn nhiều biến động do giá các nguyên liệu đầu vào nhập khẩu trên thế giới  có thể sẽ tăng”.

PGS,  TS Ngô Trí Long, Viện phó Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) nhận định với Tiền phong. Ông cũng cho rằng: Với đà tăng giá này, việc điều chỉnh lương cơ bản vào 1/10 tới đây sẽ rất khó làm tròn nhiệm vụ tăng thu nhập cho người lao động. 

Vàng và xăng dầu giá, kéo theo các mặt hàng khác theo.                                    Ảnh: Hồng Vĩnh

Giá các mặt hàng tăng nhiệt

Thông báo của  các Cty kinh doanh gas trong nước: Tháng 5 gas tăng giá bán lẻ từ 9.000 đồng- 10.000 đồng/bình 12 kg (do giá gas thế giới giao tháng 5 lên mức 470 USD/tấn tăng 40 USD so với tháng trước).

Cụ thể: Giá gas bán lẻ của Vinagas, Petro VN, Saigongas, Saigon Petro, Gia Đình gas từ 158.000 đồng- 162.000 đồng/bình 12 kg. Dịch vụ đi lại trong dịp nghỉ lễ 1/5 do sức cung không đáp ứng cầu nên rất nhiều nhà xe, nhất là giới các xe liên tỉnh đã tự động “cài” thêm ít nhất 20- 30% giá so với ngày thường.

Tại chợ Hàng Bè, chợ Hôm, những nơi thực phẩm tươi sống được xem là ngon nhất Thủ đô,  chi phí vận chuyển tăng cùng sức tiêu thụ của người dân tăng cao trong dịp nghỉ lễ là lý do thay vì hạ do vào hè nắng nóng, giá thịt bò, thịt lợn các loại lại tăng thêm 2 - 5 ngàn đồng/kg.

Giá dầu tăng thêm 400 đồng/lít(trong bối cảnh chi phí đánh bắt hiện nay khá lớn và có nguy cơ tăng thêm, sản lượng cá đánh bắt lại giảm) khiến đồ hải sản đắt hơn 5 giá so ngày thường (từ 50 ngàn lên 55 ngàn/kg cá thu).

Nói về giá tour du lịch trong nước những ngày sắp tới với PV, Trọng Anh - Giám đốc Cty du lịch Thời gian (Time Travel) chắc chắn: “Tháng 5 hàng năm là bắt đầu vào mùa khách nội địa.

Kết thúc đợt tour nghỉ lễ vừa rồi, thay vì trở lại giá bình thường (các dịp lễ, Tết bao giờ giá thuê xe hợp đồng với các Cty cũng tăng gấp đôi), lần này với lý do tăng giá xăng dầu chắc chắn các “nhà  xe” sẽ tăng giá thêm ít nhất 10%.

Đấy là chưa kể năm nay với sự kiện APEC, có thể gây “sốt” phòng khách sạn. Cùng thời điểm này, đại diện các hãng hàng không có mặt tại VN đều nhất loạt thông báo: Sẽ tăng phí phụ thu từ 10-15 USD/vé/chiều bắt đầu từ tháng 5 với lý do giá xăng dầu thế giới tăng cao.

Tại những lần tăng giá xăng dầu trước, trong bảng chỉ lạm phát của Tổng cục Thống kê, nhóm hàng dịch vụ và phương tiện đi lại thường tăng mạnh. Còn lần này?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam phân tích: Xăng, dầu hiện chiếm đến 40% chi phí đầu vào của lĩnh vực kinh doanh vận tải nên sự “nóng, lạnh” của thị trường này sẽ tác động rất lớn đến lỗ, lãi của DN. Với việc tăng thêm 1.500 đồng/lít xăng và 300- 400 đồng/lít dầu, chi phí vận tải sẽ tăng đến hơn 50% (tức là cộng thêm ít nhất 10%).

Tại phiên họp thị trường tháng 5/2006, Tổ điều hành đã phân tích: Do tác động của nhiều loại vật tư, hàng hóa trên thị trường thế giới như cà phê, cao su, dầu thô và sản phẩm xăng dầu, phân bón, phôi thép... tăng nên chắc chắn chi phí đầu vào của một số loại sản phẩm ở trong nước sẽ bị gây áp lực.

Theo tìm hiểu của PV, trên thị trường giá các loại xi măng đã bắt đầu tăng từ 20-30 ngàn đồng/tấn; giá đường cũng cao ngất ngưởng ở mức 12 ngàn đồng/kg.

Giá tăng cao: Tăng lương không làm tăng thu nhập 

Tổ điều hành đã dự báo: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 sẽ xoay quanh mức 0,3-0,5%. Nếu dự đoán này thành hiện thực, CPI trong 5 tháng đầu năm 2006 sẽ vào khoảng 3,3-3,5%.

Tuy nhiên theo một chuyên gia (không muốn nêu tên), chỉ số mà các thành viên của Tổ đưa ra này vẻ hơi “lạc quan” và rất ít chính xác khi giá xăng dầu đột ngột tăng (Những lần điều chỉnh trước đây, tăng giá xăng dầu không ít bận “huých” CPI lên đến hơn 1% - PV).

Nhận định với Tiền phong về tác động biến động mặt bằng giá cả từ đầu năm tới nay và những dự báo cho thời gian tới? PGS, TS Ngô Trí Long - Viện phó Viện Nghiên cứu giá Bộ Tài chính thì cho rằng: “So với cùng kỳ gốc mấy năm trước, CPI đang tăng lên. Việc điều chỉnh mạnh giá xăng dầu lần này vẫn gây sức ép tăng giá lên các ngành hàng khác như: than, điện, xi măng.

Và bản thân các ngành này đang rất sốt ruột khi trong suốt 2 năm (2004 – 2005) vừa qua, đã không được Chính phủ cho phép điều chỉnh giá khi đầu vào là xăng dầu tăng với lý do sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế (trong khi giá các  nguyên liệu đầu vào trên thế giới vẫn tiếp tục tăng gây sức ép lên mặt bằng giá cả trong nước).

Phân tích kỹ hơn, ông Long đã chỉ ra sự phản ứng chậm chạp của các nhà quản lý khi thị trường dầu lửa nóng nhất thì không phản ứng ngay (đợt giá dầu lên đến 75 USD/thùng) mà là lại chọn thời điểm thời điểm tăng đúng lúc giá thế giới bắt đầu giảm (xuống hơn 71 USD/thùng).

Nếu đề án điều chỉnh lương tối thiểu được Chính phủ thông qua (theo dự kiến  từ 1/10/2006, hệ số lương tối thiểu sẽ tăng trong khoảng từ 400 – 420 ngàn đồng/tháng) thì cũng chưa chắc những người hưởng lương từ ngân sách  có cơ hội cảm nhận được trọn vẹn niềm vui.

Bởi nếu Nhà nước không kiểm soát được mặt bằng giá cả thì việc tăng lương ngay cả khi đã dựa trên 4 tiêu chí (tăng trưởng GDP, quỹ tiêu dùng cá nhân, tỷ lệ lạm phát và tiền công) cũng khó có thể làm tròn nhiệm vụ tăng thu nhập và cải thiện đời sống người lao động.