Việt Nam là nước nông nghiệp lúa nước nên rơm sẵn có, dồi dào. Rơm có đặc tính mềm, nhẹ, là nguồn nguyên liệu bất tận. Việc sử dụng rơm thay thế cho các sản phẩm làm từ gỗ là hướng đi thân thiện giúp con người giảm thiểu phát thải ô nhiễm ra môi trường.
Xuất phát từ suy nghĩ đó, anh Tài rất tiếc nuối khi rơm ở Việt Nam đang bị đốt bỏ, quá trình cháy gây tăng lượng khí thải carbon, gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, anh chọn rơm làm nguyên liệu và là hướng đi cho sản phẩm mà anh cùng đội nhóm ấp ủ.
Đưa sợi rơm vàng Việt Nam đi chinh phục thế giới
Chia sẻ về chuyện "bén duyên" với rơm, doanh nhân trẻ cho biết, anh biết đến mồi lửa năm 2018, sau một lần người bạn nước ngoài nói tầm quan trọng của bếp lửa đối với đời sống người dân và sự cần thiết của mồi lửa. Sau 2 năm tìm hiểu, nghiên cứu, anh chọn rơm là nguyên liệu khởi nghiệp.
Những sợi rơm vàng được kết hợp với một số phụ phẩm rồi được ép vuông vắn, xếp gọn trong hộp với những thông tin hướng dẫn bảo quản cần thiết trước khi đưa ra thị trường. “Chúng tôi định nghĩa lại rơm. Thay vì nghĩ rằng rơm chỉ là rác thì Ulstraw sẽ biến rơm thành nguồn tài nguyên thiên nhiên mang lại lợi ích cho mọi người, từ nông dân đến khách hàng và toàn xã hội”, anh Tài khẳng định.
Bắt đầu từ con số 0, việc tìm đầu ra cho sản phẩm khi ấy khá chật vật với anh, nhất là khi anh không có nhiều kinh nghiệm về kinh doanh, tìm thị trường ở nước ngoài.
Sau nhiều cân nhắc, anh quyết định chuyển hướng phát triển thị trường, từ định hướng xuất khẩu ban đầu sang mở rộng thị trường qua sàn thương mại điện tử.
Anh Tài cho biết, hiện tại thương mại điện tử rất phổ biến, thị phần cũng rất lớn. Bán hàng trên các trang thương mại điện tử sẽ nhận được những phản hồi rất nhanh, tốn ít nguồn lực và thời gian. Đó là lợi thế với các sản phẩm mà anh mong muốn phát triển.
"Đầu tiên tôi mở rộng thị trường trên sàn thương mại điện tử, sau khi có doanh thu, nhận phản hồi từ khách hàng, sẽ có căn cứ sản xuất, điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu. Phản hồi của khách hàng là cơ sở để đàm phán với những nhà phân phối để mở rộng tiếp kênh offline. Tất nhiên không thể nói đến là việc tìm hiểu và phải đáp ứng được các yêu cầu xuất nhập khẩu, thủ tục thuế quan", anh kể.
Để phục vụ tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, anh học thêm chuyên ngành kinh tế đối ngoại của Trường Đại học Ngoại thương.
Với kiến thức và kinh nghiệm trau dồi, anh đã dẫn dắt Ulstraw chinh phục, dành chiến thắng cuộc thi Khởi nghiệp tạo tác động xã hội năm 2023 (Social Business Creation) và mới đây là ngôi vị Quán quân cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai 2024, tạo tác động xã hội to lớn trên quy mô toàn cầu.
Theo anh, lợi thế cạnh tranh của Ulstraw là sử dụng rơm để tạo thành các sản phẩm cháy với hiệu suất cao giúp giảm phần lớn phát thải. Theo ước tính, 10.000 hộp sản phẩm Eco Firelighter sẽ giảm bớt được khoảng 26.000kg khí CO2. Sử dụng rơm để thay thế các sản phẩm từ gỗ cũng giúp giảm nhu cầu từ gỗ. Nhiều cây gỗ sẽ tiếp tục được sống để tham gia vào quá trình giảm phát thải carbon.
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ rơm cũng mang lại kinh tế cho người nông dân. Thực tế, cứ 10.000 hộp sản phẩm Eco Firelighter, người nông dân Việt Nam có thêm thu nhập khoảng 190 triệu đồng.
Xác định Ulstraw không phải công ty sản xuất “mồi lửa” mà là công ty tạo ra các sản phẩm từ nguyên liệu chính là rơm nên ngoài sản phẩm Eco Firelighter, Ulstraw đã nghiên cứu thêm các dòng sản phẩm mới như viên nén làm từ rơm, màng chống sốc làm từ rơm. Trong dự tính của anh, năm 2025 sẽ mở rộng thêm nhóm sản phẩm là viên nén nhiên liệu.