Độc đáo những ngôi nhà đất trăm tuổi

TP - Nhiều ngôi nhà cổ được đắp bằng đất tồn tại tới nay đã hàng trăm năm, là "di tích sống" của những gia đình người Kinh có tiền nhân vượt đồng bằng lên Tây Nguyên cả thế kỷ trước, dừng chân định cư ở vùng đất An Khê.
Mặt trước căn nhà của bà Huỳnh Thị Ngọ cùng anh em kế thừa

Vùng đất An Khê (tỉnh Gia Lai) có nhiều căn nhà cổ bằng đất rất độc đáo. Nguyên vẹn nhất vẫn là 4 căn nhà đất của các dòng họ Huỳnh, Lê, Bùi, Văn, được xây dựng bởi những gia tộc khấm khá hoặc có chức sắc trong vùng.

Nhà đất vượt thời gian

Anh Văn Minh Trung (39 tuổi, phường An Bình, thị xã An Khê, Gia Lai) là người thừa kế căn nhà của ông nội mình. Anh Trung kể: “Năm 1892, ông nội tôi là Văn Thạnh (1880 - 1969) rời quê ở xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn, Bình Định) để ngược lên vùng thượng đạo xứ An Khê lập nghiệp. Ông lấy vợ, sinh con, trở thành xã trưởng, thường được gọi là “ông Xã Tám”. Năm 1919, ông khởi công làm nhà, thuê thợ vào rừng khai thác gỗ, kéo bằng trâu từ núi, vượt sông Ba về ngâm nước, xử lý chống mối mọt. Sau đó, ông về vùng Gò Bồi (Tuy Phước, Bình Định) mời thợ lên để xẻ gỗ làm nhà. Nhà ông Xã Tám khá rộng trên nền đất cao, bằng phẳng. Tổng thể kết cấu ngôi nhà hình chữ L, mặt chính hướng đông, lợp mái vảy. Ngôi nhà chính gồm ba gian, trần được lợp ván màu vàng sẫm, ấm áp vào mùa đông, mát mẻ vào mùa hè, hội đủ danh mục gỗ thượng đẳng như trắc, cẩm, lim, kiền kiền…

Nơi thờ phụng gia tiên nhà ông Xã Tám được chạm trổ hoa, lá, chim thú khá sinh động. Đặc biệt, căn phòng phía Tây chỉ dành cho khách nam giới trong dòng họ, hoặc bạn bè thân thiết đến thăm ở lại. Gia chủ ngủ nghỉ gian buồng phía đông. Nối không gian sinh hoạt bằng dãy nhà ngang dành cho con cháu ở, kết hợp phòng hoa chúc khi cưới gả hoặc sinh nở.

Ngôi nhà cổ của ông Xã Tám tới nay vẫn được con cháu giữ gìn gần như nguyên vẹn. Những vật dụng như cân, bàn tính cổ, tranh, sập, mái ngói vảy cá, phần tường nhà làm bằng đất sét với cốt rơm, gỗ, ngoài được phủ vôi, hơn trăm năm rồi vẫn còn vững chắc.

Cách nhà cổ của họ Văn không xa là ngôi nhà cổ thuộc họ Huỳnh theo dạng nhà rường truyền thống. Cạnh ngõ vào nhà phía tay trái có am thờ Sơn Thần, Thổ Địa. Am thờ vách đóng bằng gỗ, mái lợp ngói vảy, cao hơn 1 mét với 4 trụ gỗ tròn. Còn ngôi nhà có cấu trúc chữ L. Nhà được thiết kế ba gian, mặt hướng Đông, dãy nhà ngang hướng Nam. Các hàng cột đều được làm bằng gỗ quí. Phần vách ngôi nhà được làm bằng đất sét trộn cốt bằng tre, gỗ. Đây là một trong số rất ít ngôi mà mái và trần nhà bằng đất vẫn còn nguyên. Dưới trần, những cây đòn tay được trau chuốt tròn, nhẵn, phô nước gỗ màu tự nhiên. Bên trên được trải đều một lớp vỏ cây kiền kiền màu nâu sẫm đã được ngâm bùn, xử lý mọt. Trên lớp vỏ cây kiền kiền là lớp đất sét trộn rơm khô, dày hơn 10 phân.

Bà Huỳnh Thị Ngọ (phường An Phú, thị xã An Khê) nói không nhớ chính xác căn nhà này bao nhiêu năm tuổi, chỉ biết nó đã trải qua 4 đời. “Bố của tôi để lại cho tất cả anh em trong gia đình, không cho riêng bất kỳ ai. Ông dặn tất cả con cháu họ Huỳnh phải có trách nhiệm bảo quản, chăm sóc”, bà nói.

Căn nhà cổ của anh Văn Minh Trung

Khó giữ?

Về việc bảo tồn, anh Văn Minh Trung nói: "Ông nội để lại căn nhà này cho bố tôi. Tôi được bố ưu ái vì là con út trong gia đình có 7 anh em. Dù rất nhiều người đến hỏi mua căn nhà này nhưng tôi nhất quyết không bán vì đó là kỷ niệm của bao đời. Tôi cũng không muốn giao cho chính quyền, nhưng bất kỳ ai đến có nhã ý tìm hiểu, nghiên cứu, tôi đều sẵn sàng tiếp đón, phục vụ”.

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Thanh Hà - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã An Khê nói: “Tôi chưa đủ tài liệu để bàn về lịch sử những căn nhà cổ trên địa bàn. Tuy nhiên, căn cứ gia phả của các chủ nhân thì những căn nhà này đã tồn tại khoảng 100 đến 300 năm tuổi, được xây dựng bởi những người Kinh di cư lên vùng An Khê sớm nhất. Hiện đơn vị đã làm đề án xếp hạng, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với di tích lịch sử trên địa bàn thị xã An Khê, trong đó có việc đề nghị xếp hạng cấp tỉnh đối một số căn nhà cổ tiêu biểu”.

Nếu được thì sẽ có nguồn vốn, kế hoạch cụ thể để bảo tồn nhà cổ. Phải làm thế nào để vừa bảo vệ cái riêng, lợi ích cho dân, vừa bảo vệ giá trị văn hóa chung cho cộng đồng, bởi hiện giờ chỉ số ít căn nhà còn tốt, một số bị bỏ bê, xuống cấp. "Nếu được bảo tồn tốt thì những căn nhà này sẽ tạo thêm sản phẩm du lịch. Hiện giờ An Khê đang có các điểm hẹn du lịch như Tây Sơn Thượng Đạo, di tích khảo cổ… Nếu thành công, An Khê sẽ có thêm sản phẩm du lịch độc đáo là những căn nhà cổ trăm năm", ông Hà nói.