'Doanh nhân làng' kể chuyện làm giàu

TP - Tại diễn đàn Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới bên thềm Lễ trao Giải thưởng Lương Định Của khu vực phía Bắc (do T.Ư Đoàn tổ chức) ngày 7-8 tại Thái Bình, 100 thanh niên nông thôn làm kinh tế giỏi, còn được gọi là 'doanh nhân làng' cùng chia sẻ bí quyết làm giàu ở quê nhà.
Lễ trao giải Lương Định Của tối 7-8 tại Thái Bình

> Nhiều tỷ phú trẻ giành giải Lương Định Của

Lễ trao giải Lương Định Của tối 7-8 tại Thái Bình.
 

Tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp I, từng công tác tại Cty giống cây trồng T.Ư, nhưng Trần Quang Phước lại trở về quê nhà tại thôn Thụy Lũng Tây (xã Quốc Tuấn, Kiến Xương, Thái Bình) để lập nghiệp. Phước cùng gia đình đấu thầu 2,1 ha đất chua trũng để đào ao thả cá, kết hợp trồng lúa và rau màu. Anh là người đầu tiên tại địa phương mạnh dạn thử nghiệm thành công trong việc áp dụng phương pháp canh tác mới.

Bằng kiến thức, không ngừng tìm tòi và sáng tạo, Phước đã xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại trên chính đồng ruộng quê hương mình. Hiện trang trại của anh mang về lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động.

Phước còn tích cực trong việc hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật và cung ứng vật tư nông nghiệp cho bà con trong xã. “Tại sao chúng ta phải đợi nhà nước đầu tư mà thanh niên không tự đứng lên làm? Chúng ta có sức trẻ, có tri thức và đó chính là nguồn vốn để lập nghiệp, làm giàu”, Phước chia sẻ.

Nhà nông trẻ Bùi Đăng Đa (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội), người nổi danh với mô hình nhân giống thủy đặc sản, cũng cho rằng thanh niên phải đi đầu trong học tập, làm giàu. Theo anh Đa, xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp chung của cả đất nước trong đó có phần đóng góp không nhỏ của giới trẻ. “Cơ sở Đoàn tại nông thôn phải có những sáng kiến thu hút, tập hợp bạn trẻ có trình độ chuyên môn, phát triển kinh tế giỏi về xây dựng quê hương”, anh Đa đề xuất.

Nhà nông trẻ này còn hiến kế tập hợp thanh niên nông thôn theo hình thức câu lạc bộ, hợp tác xã… mà ở đó nhà nông trẻ có thể tiếp cận nguồn vốn, được tham quan, học hỏi những mô hình kinh tế phù hợp với địa phương, trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ nhau trong quá trình lập nghiệp.

Mỗi làng quê một thương hiệu

Hầu hết doanh nhân làng tham gia diễn đàn đều cho rằng cách làm giàu bền vững nhất, đóng góp thiết thực nhất cho quê hương chính là tập trung sản suất những sản phẩm mang thương hiệu quê nhà. “Làng tôi có nghề sản xuất cơ khí lâu đời nên sau khi tốt nghiệp đại học trở về quê, tôi chọn cách lập nghiệp bằng nghề cơ khí để tận dụng kinh nghiệm của cha ông tạo ra sản phẩm phù hợp với thị trường hiện nay. Đây chính là đòn bẩy lớn giúp tôi thành công”, anh Trần Văn Kiều (xã Xuân Tiến, Xuân Trường, Nam Định) chia sẻ.

Kiều hiện là Giám đốc Cty TNHH Thân Thiên Phú chuyên về sản xuất các loại máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Với truyền thống làm nghề cơ khí của gia đình, cộng thêm sáng tạo của bản thân, anh Kiều đã chế tạo thành công máy nghiền ốc, cá làm thức ăn chăn nuôi; máy nghiền rơm, rác thải để trồng nấm… Những sản phẩm cơ khí mang thương hiệu Xuân Tiến do Cty sản xuất đã có khắp đất nước, tạo doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm và giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương.

Theo Kiều, việc sản xuất tạo ra sản phẩm mang thương hiệu quê nhà sẽ giúp mỗi bạn trẻ bớt được nhiều trở lực khi lập nghiệp, đồng thời đây cũng là cách thiết thực nhất để đóng góp cho công cuộc xây dựng nông thôn mới của đất nước.

Trong số 100 nhà nông trẻ nhận Giải thưởng Lương Định Của khu vực phía Bắc năm nay, có rất nhiều gương làm giàu bằng cách sản xuất, nuôi trồng những sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương như: Mô hình trồng chè San Tuyết tại xã Bằng Phúc (Chợ Đồn, Bắc Kạn) của anh Nguyễn Xuân Hà; Trang trại chè kết hợp chăn nuôi của anh Nguyễn Đức Nghiệp tại Cổ Rồng (Đình Cả, Võ Nhai, Thái Nguyên); Cơ sở gốm sứ thủ công tại xã Phù Lãng (Quế Võ; Bắc Ninh) của anh Nguyễn Minh Ngọc…

Theo ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), Chánh VP điều phối chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, việc xây dựng “mỗi làng quê, một thương hiệu”, mỗi địa phương tạo một sản phẩm chiến lược sẽ góp phần quan trọng trong việc sắp xếp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo thu nhập cho người nông dân.

“Cách làm này đã được nhiều nước có nền nông nghiệp tiến bộ như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc… thực hiện và đạt nhiều thành công”, ông Lộc nhấn mạnh.

Vinh danh 100 nhà nông trẻ

Tối qua (7-8), tại Thái Bình, 100 nhà nông trẻ khu vực miền Bắc đã được T.Ư Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Định Của. Đây là những thanh niên có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đóng góp tích cực cho phong trào thanh niên tại nông thôn…

Trong số này có 8 người đã đạt mức doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm. Các mô hình của 100 thanh niên được nhận giải tạo việc làm thường xuyên cho gần 800 lao động trẻ và hàng vạn ngày công lao động theo mùa vụ.

Phát biểu tại lễ trao giải, anh Phan Văn Mãi, Bí thư T.Ư Đoàn mong muốn những nhà nông trẻ nhận giải thưởng sẽ là hạt nhân nòng cốt phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; xung kích thực hiện hiệu quả kế hoạch Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới do Ban Bí thư T.Ư Đoàn phát động.

Trọng Phú

Theo Báo giấy