Doanh nghiệp xuất khẩu khốn đốn

TP - “Cực kỳ khó khăn về vốn” - Tổng Giám đốc Cty CP Intimex, ông Đỗ Hà Nam thốt lên trên diễn đàn về xuất khẩu hôm 11-3.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Thành Biên cũng xác nhận: “Khó khăn lớn nhất hiện nay là các doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận nguồn vốn để sản xuất hàng xuất khẩu”.

Các ngành chế biến xuất khẩu nông sản đặng gặp rất nhiều khó khăn về vốn  -  Ảnh: Phục Lễ

Nông thủy sản lao đao

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cảnh báo: Thị trường chứng khoán, bất động sản hút vốn rất mạnh, vì vậy, không khéo việc  lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất xuất khẩu.

Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, ông Đặng Hoàng Giang cho biết, dự kiến tổng nhu cầu vốn cho thu mua, nhập khẩu và chế biến của toàn ngành Điều năm 2010 là 14.820 tỷ đồng để thu mua 400 nghìn tấn điều thô trong nước, nhập khẩu 250 nghìn tấn điều thô và phục vụ sản xuất 180 nghìn tấn nhân điều.

Tuy nhiên, hiện nay việc tiếp cận vốn của các ngân hàng thương mại là rất khó khăn, hạn mức cho vay thấp, lãi suất cao trong khi Ngân hàng Phát triển Việt Nam chưa giải ngân cho các khoản vay...        

TGĐ Cty CP Intimex, ông Đỗ Hà Nam lo lắng: “Cà phê đang trong tình trạng báo động đỏ!”. Trong khi sản lượng cà phê giảm khoảng 30% so với năm trước vì mất mùa, mức độ tiêu thụ của thị trường thế giới cũng giảm nhưng giá bán ra của cà phê Việt Nam lại giảm mạnh, xấp xỉ 44% và hiện vẫn đang xuống dốc.

Hạt điều cũng không ngoại lệ. Trong khi giá bán thấp thì giá thu mua quá cao, từ 1.100 - 1.150 USD/tấn. Với giá nguyên liệu như hiện nay các DN hoàn toàn làm không công cho nước ngoài.

Thêm vào đó, chi phí đầu vào của ngành điều đã tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Hiện điện, nước, xăng dầu đều tăng nên DN đã khó lại càng thêm khó.

Ông Đỗ Hà Nam cũng nêu một thực tế không vui, khi các DN trong nước gặp khó khăn về vốn, các DN nước ngoài nhảy vào thu gom dự trữ và giành mất quyền nắm giữ các cơ hội kinh doanh.

Theo ông Nam, cũng do kẹt vốn nên các DN xuất khẩu Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị mất hợp đồng.

Khi DN Việt Nam thiếu vốn, một số đối tác chỉ dây dưa, chậm thanh toán là ngay lập tức DN Việt Nam hoảng hốt và phản ứng bằng cách siết chặt các yêu cầu thanh toán và đó là cớ để nhiều đối tác bỏ đi tìm đối tác khác.

Bao giờ hết khó?

Ông Nguyễn Thành Biên cũng cho biết Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thủy sản của một số ngành hàng có lượng hàng hóa lớn như gạo, thủy sản, cà phê và một số nông sản khác nhằm duy trì phát triển sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân và ổn định giá hàng hóa.

Theo đề nghị của Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam,  Chính phủ giao các bộ ngành liên quan nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất thu mua dự trữ 200.000 tấn để giữ giá cà phê đồng thời giúp nông dân không bị ảnh hưởng nặng nề.

Chính phủ tiếp tục kéo dài chương trình hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn đến hết năm 2010, đồng thời tiếp tục gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 3 tháng cho các nhóm đối tượng DN vừa và nhỏ; số thuế phải nộp từ hoạt động sản xuất, gia công dệt may, da giày của DN.

Theo các chuyên gia, việc giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đã cho thấy quyết tâm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn của Chính phủ.

Tuy nhiên, không phải khó khăn nào của DN cũng được “lắng nghe và thấu hiểu” và kịp thời giải quyết.

“Đề nghị Ngân hàng Phát triển Việt Nam sớm giải ngân và dành khoản tín dụng cho vay ngắn hạn 2.000 tỷ đồng để các DN ngành điều thu mua nguyên liệu từ tháng 3 đến tháng 7-2010”- Ông Đặng Hoàng Giang bức xúc.

Ông Giang cũng đề nghị ngân hàng này dành khoản tín dụng cho vay đầu tư trung hạn ưu đãi 1.500 tỷ đồng để giúp DN cải tạo nhà xưởng và đầu tư trang thiết bị phục vụ chế biến. Đồng thời đề nghị các ngân hàng giải quyết cho DN vay ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.