Doanh nghiệp tố bị thuế hành

TP - Ngày 5/11 tại TPHCM, lãnh đạo Bộ Tài chính đối thoại với trên 500 doanh nghiệp (DN) về vấn đề thuế và hải quan.

> Gần 1.000 vụ doanh nghiệp trốn thuế mỗi năm
> Cứ nghĩ được giảm thuế, bất ngờ bị truy thu tiền tỷ

Nhà máy sữa của Vinamilk tại Bình Dương đang gặp trở ngại về hoàn thuế.

Công ty TNHH Duy Anh chuyên kinh doanh về hàng thời trang cao cấp mỗi năm đóng hơn 100 tỷ đồng thuế. Tháng 11/2012, công ty nộp đơn xin hoàn thuế với giá trị 25 tỷ đồng. Cơ quan thuế hai lần thanh tra, quyết định cho hoàn nhưng sau đó lại thông báo không hoàn thuế do giá trị tồn kho cao. Trong khi đó, theo đại diện công ty, do đặc thù kinh doanh là phải để nhiều hàng hóa trưng bày nên tồn kho nhiều.

Thứ trưởng Tuấn nói ngay: “Theo pháp luật hiện nay, hàng tồn kho cao vẫn được hoàn. Kiểm trước hoàn sau và hoàn kịp thời cho đơn vị, không được quá 60 ngày, nếu hoàn chậm phải trả lãi cho DN”. Thứ trưởng Tuấn cũng cho biết, theo qui định, từ năm 2014, không hoàn thuế đối với trường hợp tồn kho cao 12 tháng liền.

Công ty Minh Luân chuyên nhập khẩu máy kéo nông nghiệp đã qua sử dụng về tân trang và xuất khẩu đi châu Âu, châu Mỹ… Trước khi nhập, công ty đã làm văn bản hỏi và được cơ quan hải quan trả lời đây là mặt hàng tạm nhập tái xuất nên công ty mới mở hồ sơ nhập khẩu.

Theo đại diện công ty, chiếu theo luật thuế và các thông tư, hàng hóa tạm nhập tái xuất thuộc đối tượng được hoàn thuế. Tuy nhiên, khi làm thủ tục hoàn thuế thì cục thuế lại… lắc đầu.

Đại diện công ty này than thở, hàng tháng chi phí hoạt động của DN trên dưới 500 triệu đồng, công nhân không có việc làm trong khi hàng về đến cảng 20 ngày rồi nhưng DN vẫn chưa biết mở tờ khai thế nào.

“Yêu cầu hải quan phải hoàn thuế ngay cho DN” -Thứ trưởng Tuấn nói. Bởi theo ông: “Trước khi nhập khẩu, DN đã có văn bản xin hải quan cho ý kiến nên về mặt pháp luật phải được hoàn thuế”.

Ông Lê Thành Liêm, kế toán trưởng Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, trong quá trình xây dựng nhà máy sữa bột tại tỉnh Bình Dương, Vinamilk có chuyển đổi thành đơn vị trực thuộc Vinamilk thay cho hình thức đăng ký ban đầu là Công ty TNHH MTV (cũng 100% vốn Vinamilk).

Trong quá trình đầu tư xây dựng và sản xuất, công ty đã nộp đầy đủ các khoản thuế và đã được Cục thuế TPHCM hoàn thuế một phần cho dự án. Đến tháng 3/2012, Bộ Tài chính quy định DN phải chuyển khai báo thuế về địa phương nơi DN đầu tư, theo đó Vinamilk chuyển thủ tục hoàn thuế về Bình Dương.

Tuy nhiên, Cục thuế Bình Dương cho rằng, dự án này không nằm trong trường hợp được hoàn thuế. Công ty đã nhiều lần gửi văn bản về Bộ Tài chính và Cục thuế nhưng không được phản hồi. “Đề nghị Tổng cục Thuế trả lời và khấu trừ thuế VAT cho dự án, vì mặc dù là dự án có chuyển đổi nhưng vẫn không thay đổi về vị trí, chủ đầu tư, ngành nghề sản xuất” - ông Lê Thành Liêm nói, đồng thời cho biết, tính đến tháng 10/2013, nhà máy này có doanh thu trên 600 tỷ đồng, tương ứng thuế VAT đã đóng là 60 tỷ đồng.

“Phải tính đến đặc thù của đơn vị và việc chuyển đổi tên trên cơ sở pháp luật và thực hiện nhanh việc khấu trừ thuế trong năm nay, vì đến cuối năm nay không hoàn thì DN sẽ không hoàn được nữa”- Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn yêu cầu Tổng cục Thuế ngay khi nghe phần trình bày của vị đại diện Vinamilk.

Thuế chồng thuế và bất nhất

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu cho rằng, việc nộp tiền sử dụng đất theo cách tính hiện nay coi như mua đất một lần nữa. Sau khi bồi thường đất, DN chỉ được khấu trừ 20%, số còn lại được tính là lợi nhuận DN và phải nộp thuế. “Như vậy là thuế chồng thuế”- ông Châu kêu.

Ông Châu cũng cho rằng, có sự bất hợp lý trong việc đóng thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng bất động sản. “Hình như ngành thuế chọn mức thu cao nhất chứ không phải các bên tham gia chuyển nhượng được lựa chọn. Có trường hợp áp đặt để thu cao”- ông Châu nói, đồng thời kiến nghị: “Nên dành quyền lựa chọn cho người tiêu dùng, nếu ngân sách vì thế mà giảm thu thì có lợi cho dân”.

Nhiều DN cũng bức xúc việc áp thuế không thống nhất. Công ty TNHH A.C.A.L chuyên sản xuất thuốc bảo vệ thực vật cho biết, tháng 12/2012, DN nhận được quyết định truy thu thuế VAT đối với mặt hàng bình xịt côn trùng.

Trước đó Cục thuế TPHCM hướng dẫn thuế VAT là 5%, tuy nhiên Bộ Tài chính tiến hành thanh tra, áp thuế 10% và đòi truy thu. Theo vị đại diện Cty A.C.A.L, điều bức xúc của DN này là Bộ Tài chính chỉ thanh tra và truy thu 10% thuế VAT của công ty A.C.A.L và một công ty khác, những DN còn lại vẫn được áp mức 5%. “Chúng tôi không bán được hàng vì thuế cao”- đại diện Công ty A.C.A.L.

Mặt khác, cũng theo vị đại diện công ty này, thuế VAT là thuế gián thu, công ty không thể truy ngược lại thuế của người tiêu dùng để nộp cho cơ quan thuế. Công ty đã rất nhiều lần gửi văn bản lên Tổng cục Thuế nhưng vẫn chưa được trả lời.

“Đã áp thuế thì phải thống nhất tất cả chứ không phải chỉ với hai DN”- Thứ trưởng Tuấn nói.

Theo Báo giấy