> Có đất nhưng chưa có nhà vẫn được vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng
> Gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng tại Hà Nội: Tắc đủ đường
Bộ duyệt cũng chưa chắc được vay
Theo báo cáo mới đây của cơ quan chức năng, tới nay mới có 2 DN được vay tổng số 658 tỷ đồng. Trong đó, Cty VicoLand vay 117,7 tỷ đồng (mới giải ngân 34 tỷ đồng) và Cty Địa ốc Hoàng Quân vay 540 tỷ đồng, trên tổng số 59 dự án nhà ở xã hội đề xuất vay khoảng 6.000 tỷ đồng được Bộ Xây dựng giới thiệu với ngân hàng.
Khi PV Tiền Phong tiếp xúc với nhiều DN về việc này, đa số đều ngại trả lời vì cho rằng quá nhạy cảm. Đại diện một DN cho biết, nhiều DN nghĩ rằng có dự án nhà ở xã hội, được Bộ Xây dựng đảm bảo và giới thiệu sang ngân hàng sẽ được vay.
Thực tế không đơn giản như vậy. Ông này phân tích, gói 30 ngàn tỷ đồng chỉ hỗ trợ lãi suất 6%/năm, ngoài ra không có thêm ưu đãi khác. Quy trình xét cho vay như với dự án bất động sản thương mại, điều kiện về tài sản đảm bảo, vốn đối ứng, có kinh nghiệm 3 năm trở lên, điều kiện kiểm toán xếp hạng A1…
“Trong khi đa số DN bất động sản những năm qua rơi vào thảm cảnh (như nợ xấu) nên không còn tài sản đảm bảo”, vị này nói. Vì thế, các địa phương ưu ái lựa chọn DN giới thiệu lên nhưng Bộ Xây dựng lại không có quyền thẩm tra có nợ xấu và tài sản đảm bảo hay không. Do đó, khi chuyển danh sách (DN) sang ngân hàng lại không đáp ứng các điều kiện để được vay.
Chưa kể, trong vấn đề tài sản thế chấp, dự án nhà ở xã hội là đất nhà nước giao không thu tiền sử dụng nên không phải tài sản của DN. Và đương nhiên, đất này không thể đem ra thế chấp đi vay, còn phần tài sản trên đất (công trình nhà ở lại nằm ở “thì” tương lai).
Theo Luật Nhà ở, tài sản này không được công chứng đảm bảo và như vậy không được ngân hàng giải ngân. Do đó, DN muốn vay được tiền trong gói 30 ngàn tỷ đồng phải dùng một tài sản khác có giá trị tương đương để thế chấp. Bên cạnh đó, điều kiện về vốn đối ứng bằng 30% tổng mức đầu tư dự án không phải DN nào cũng đáp ứng được.
“Những DN đáp ứng được các điều kiện này, chứng tỏ còn tiềm lực mạnh. Như vậy, họ sẽ làm nhà ở thương mại để có lợi nhuận cao, chứ không làm nhà ở xã hội”, đại diện một DN cho biết.
“Đấy là những lý do tại sao tới nay chỉ 2 DN được vay, dù có tới 32 DN được Bộ Xây dựng duyệt danh sách gửi sang ngân hàng”, đại diện một DN nói.
Không có nhà, dân lấy gì mà mua?
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN kiêm Tổng GĐ Cty CP Xây dựng & Phát triển Đầu tư Hải Phòng lại cho rằng, hiện nay các ngân hàng yêu cầu điều kiện để được vay vốn từ gói 30 ngàn tỷ đồng quá cứng nhắc.
Theo quy định, dự án được vay vốn từ gói này, chủ đầu tư phải sử dụng hết phần vốn đối ứng (30%) cho dự án, sau đó mới được ngân hàng giải ngân phần vốn vay 70% tổng mức đầu tư. “Trong điều kiện kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản chững lại như hiện nay, rất ít DN đáp ứng được”, ông Thành nói.
Theo đó, nếu không có tác động từ chính sách để thu hút đầu tư vào nhà ở xã hội sẽ không có nhiều sản phẩm nhà phân khúc này trong tương lai. Bởi vì làm gì có nhà (dự án) để dân vay tiền để mua. Như vậy mục tiêu của gói hỗ trợ không đạt được.
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, Bộ Xây dựng chỉ chịu trách nhiệm xét duyệt DN theo thủ tục xây dựng (là có đất “sạch”), dự án đã được cấp phép đầu tư để giới thiệu sang ngân hàng; còn việc thẩm định cho vay hay không thuộc ngân hàng. Vị này cũng thừa nhận, khi nghiên cứu đưa ra các quy định khó tính hết các phát sinh lúc thực hiện.
Về vướng mắc ở tài sản thế chấp hình thành trong tương lai, đại diện Bộ Xây dựng cho biết Bộ Tư pháp đang chủ trì ban hành văn bản tháo gỡ. Bộ này dự kiến thời gian tới tiếp tục giới thiệu các dự án đủ điều kiện để ngân hàng cho vay hết số tiền dành cho DN (9 nghìn tỷ đồng) trong gói 30 nghìn tỷ đồng.