Góp ý Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi:

Doanh nghiệp đề xuất tăng khung giờ làm tối đa

TP - Tại Hội thảo góp ý cho Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 14/5, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Trương Văn Cẩm cho rằng, cần tăng khung giờ làm thêm tối đa lên 450 giờ/năm, thay vì 400 giờ/năm như Dự thảo .
Đại diện doanh nghiệp vẫn tỏ ra băn khoăn với nhiều quy định của Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi Ảnh: Như Ý

Cùng đó,ông Cẩm cũng đề nghị bỏ quy định giờ làm thêm tối đa trong tháng, vì doanh nghiệp Việt đa số gia công theo hợp đồng xuất khẩu, có thời điểm phải đáp ứng kịp hàng cho đối tác, nên phải tăng ca nhiều, có thời điểm lại không phải tăng ca. 

Theo ông Cẩm, quy định nếu tăng ca trên 200 giờ/năm, sẽ phải xin cơ quan quản lý nhà nước thay vì chỉ phải thông báo như hiện nay, điều này có thể dẫn tới cơ chế “xin - cho”, thêm thủ tục cho doanh nghiệp. Theo đại diện các doanh nghiệp dệt may, xu hướng chung của thế giới là tăng lương, giảm giờ làm, nhưng trong bối cảnh Việt Nam thu nhập người lao động, năng suất lao động thấp, nên vẫn cần phải làm thêm.

Về tiền lương tăng ca tính theo bậc thang luỹ tiến, Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng điều này không cần thiết, làm phát sinh thêm chi phí doanh nghiệp. Vì luật đã cho phép chủ sử dụng và người lao động đàm phán, thống nhất.

Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sông Hồng cho biết, sau khi nghiên cứu toàn bộ Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, nhiều điều khoản đang bất lợi cho doanh nghiệp. Điển hình, quy định về giờ làm thêm, tiền lương, các quy định về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động cũng khiến doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc khi thực hiện. DN này dẫn chứng quy định giờ làm thêm tối đa 300 giờ hiện nay, đa số doanh nghiệp đều vi phạm khi phải tăng ca nhiều hơn cho kịp đơn hàng.

“Điều này cơ quan quản lý, doanh nghiệp đều biết vi phạm, nhưng vẫn phải làm, vì phải lo việc làm cho người lao động. Trong khi doanh nghiệp lại phải "chế biến" sổ sách để đối phó với các đoàn kiểm tra”, ông Thịnh nói. Theo ông Thịnh, chi phí tiền lương chỉ cần tăng 1%, chi phí doanh nghiệp sẽ tăng từ 10-12%, điều này khiến doanh nghiệp Việt “mãi không lớn”, vì không còn tích luỹ. Ngoài ra, quy định về tăng tuổi nghỉ hưu khó đáp ứng khi công nhân dệt may, da giày, thủ sản… chỉ làm được cùng lắm tới 50 tuổi. 

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng LĐ-TB&XH cho biết, trong sửa đổi Bộ luật Lao động lần này, điều cần tính tới là cân bằng giữa người lao động và chủ sử dụng. Nếu nghiêng về bên nào sẽ dẫn tới khó khăn cho bên còn lại, như nếu nghiêng về người lao động sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam đã khó khăn càng khó khăn hơn, khi chi phí lao động tăng cao.

“Nếu tiền lương làm thêm giờ tăng lũy tiến sẽ đánh sập doanh nghiệp. Vì trong điều kiện của nước ta hiện nay, năng suất làm việc thấp, việc nới giờ làm thêm, tăng lương, tăng ngày nghỉ sẽ gây áp lực lớn đến doanh nghiệp”, ông Huân nói.

Đại diện Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Da giày, Hiệp hội Thuỷ sản… băn khoăn với đề xuất không hoán đổi, nghỉ bù trong dịp Tết Âm lịch, cũng không nên thêm 1 ngày nghỉ lễ vào Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7). Về quy định tổ chức đaị diện của người lao động tại doanh nghiệp (ngoài tổ chức Công đoàn hiện nay), các doanh nghiệp cho rằng, cần có quy định để tại mỗi doanh nghiệp chỉ 2-3 tổ chức. Điều này nhằm tránh tình trạng một số nước láng giềng Việt Nam, mỗi doanh nghiệp chỉ vài trăm lao động, nhưng có tới cả chục tổ chức đại diện người lao động, dẫn tới nhiều bất cập.