Tuy nhiên, đã hơn 2 tuần được thực thi nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận được nguồn vốn vay.
Doanh nghiệp khó tiếp cận
Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức, cho biết: Thị trường đã có giao dịch nhen nhóm trở lại nhưng nhìn chung, hiện nay lãi suất cho vay vẫn còn ở mức cao, trong khi thị trường BĐS thiếu thanh khoản suốt thời gian qua đã khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả lãi vay. Bên cạnh đó, nhiều khoản nợ cũ chưa thể trả hết nên doanh nghiệp cũng khó để vay thêm nợ mới.
Trong khi đó, dư nợ tín dụng của BĐS trong hệ thống ngân hàng khá lớn, nợ xấu ngày càng tăng cao do nhiều doanh nghiệp mất khả năng chi trả sẽ là những nguyên nhân chính làm các ngân hàng chưa tích cực giảm lãi vay cũng như chưa thực sự nới lỏng việc hạn chế cho vay. Lúc này, chỉ các dự án có tính khả thi cao và những doanh nghiêp có năng lực hoạt động, năng lực tài chính mạnh mới có khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Đại diện công ty Cổ phần BIC Việt Nam tại khu đô thị Văn Quán, Hà Đông cũng khẳng định: Kể từ khi có tin lãi suất huy động giảm, công ty đã tiếp nhận nhiều yêu cầu hơn từ khách hàng có nhu cầu mua nhà thông qua việc vay ngân hàng, thêm vào đó là những đề nghị hợp tác từ phía ngân hàng. Tuy nhiên hiện nay các ngân hàng đang triển khai cho vay với lãi suất đã hạ nhưng vẫn chưa phù hợp với đầu vào của chủ đầu tư. Đồng thời các ngân hàng có phần e dè, thận trọng hơn và các thủ tục vay vốn còn rườm rà.
Trong khi đó, ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Đất Xanh miền Bắc, cho rằng: Nhu cầu bất động sản là rất lớn tuy nhiên lãi suất vẫn chưa hấp dẫn dành cho các doanh nghiệp vay vốn. Ngân hàng hạ lãi suất xuống 12% nhưng việc tiếp cận nguồn vốn cũng phải đợi một thời gian chứ không thể tiếp cận ngay được.
Với lãi suất huy động đầu vào 12% và đầu ra từ 18%/năm thì đây không phải là mức hấp dẫn để các chủ đầu tư vay vốn để triển khai các dự án tại thời điểm này. Và khi tiến hành vay rồi thì các vấn đề về thủ tục vay, định giá, đánh giá về tiềm lực của chủ đầu tư còn rất khó khăn làm cho thị trường chưa có nhiều sáng sủa.
Theo tính toán của đại diện sàn giao dịch BĐS Đạt Phát, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đạt Phát, để vay được vốn, doanh nghiệp phải hình thành dự án và phải có tài sản thế chấp cho vay, tất cả những dự án đạt đủ yêu cầu của ngân hàng, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ yêu cầu.
Đại diện ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu ACB, ông Nguyễn Thanh Toại cũng thừa nhận: Thống kê của ACB có đến 70% doanh nghiệp cho rằng khó khăn lớn nhất khi vay vốn là thủ tục, 50% cho tài sản thế chấp và không chứng minh được thu nhấp là trở ngại lớn, 36% khách hàng nhỏ lẻ cho rằng lãi suất là rào cản lớn nhất. Rõ ràng, điều đáng quan tâm là yếu tố lãi suất không phải là trọng yếu mà là các yếu tố: thủ tục, tài sản đảm bảo, dòng tiền thu nhập là rào cản chính.
Vẫn còn khát…vốn
Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, việc giảm lãi suất xuống 12% như hiện nay sẽ có tác dụng thẩm thấu vào thị trường trong 3-6 tháng tới bởi hiện nay ngân hàng vẫn đang giải quyết một nguồn vốn lớn với lãi suất cao thời gian qua, vì vậy một số chủ đầu tư vẫn mang tâm lý trông chờ lãi suất thực sự bung ra trên thị trường và tiến hành đầu tư trở lại.
Khẳng định về vấn đề này, ông Hiếu cho rằng: Nhiều doanh nghiệp vẫn còn kẹt vốn do đầu ra đang không mấy lạc quan và lượng hàng tồn kho quá lớn nên doanh nghiệp ưu tiên tiêu thụ hết sản phẩm tồn kho hơn là nghĩ đến việc vay vốn để phát triển thêm sản phẩm mới.
Với những sản phẩm được thị trường ưa chuộng như triển khai dòng sản phẩm giá thấp để kích cầu thị trường hiện nay cũng không dễ thực hiện do còn nhiều bất cập như: giá đất theo thông tư 69 vẫn còn quá cao, chưa có quy định ưu tiên phát triển căn hộ có diện tích nhỏ…
Theo phân tích của đại diện công ty Cổ phần BIC Việt Nam: So với thời điểm trước khi lãi suất ngân hàng giảm, mức triển khai các dự án mới của các chủ đầu tư không có dấu hiệu tăng, từ đầu năm đến nay dự án của các chủ đầu tư trong nước gần như là không có.
Các dự án được triển khai phải sát với nhu cầu ở thực của khách hàng, giá cả cạnh tranh, có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ pháp lý…và để huy động được nguồn vốn tối đa, đối phó với thị trường BĐS hiện nay, công ty phải dụng nguồn vốn nội lực của công ty, nguồn vốn huy động từ các đối tác và khách hàng tiềm năng.
Với đặc thù riêng biệt của thị trường bất động sản Việt Nam cùng với những kết quả thực tế đã qua, thì thời điểm này BIC Việt Nam chỉ triển khai những dự án đã nghiên cứu. Trong dài hạn, công ty vẫn tiếp tục nghiên cứu thị trường và chờ đợi diễn biến của thị trường BĐS cũng như nền kinh tế để sẵn sàng ứng phó với các biến động của thị trường.
Ở góc độ khác, ông Quyết nhấn mạnh: Các doanh nghiệp rất cần vốn để duy trì cũng như mở rộng các hoạt động kinh doanh. Nếu không có một mặt bằng lãi suất thấp hơn cũng sẽ rất khó giải quyết bài toán khát vốn cho các doanh nghiệp.
Vấn đề hiện nay là phải tiếp tục kéo lãi suất xuống mức thấp nhất có thể, đồng thời phải có những chính sách cho vay vốn và tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp cụ thể cho các doanh nghiệp từ phía ngân hàng. Thị trường ngân hàng cần được ổn định hơn, các chính sách hỗ trợ giảm thuế, giãn thuế cho các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp bất động sản.
Trong những tháng qua theo thống kê có quá nhiều doanh nghiệp đóng cửa và phá sản, nhiều người nghĩ phải có phá sản đóng cửa doanh nghiệp thì các doanh nghiệp mới tái cơi cấu và mạnh hơn trong tương lai. Điều này cũng có ý đúng nhưng vấn đề sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới an sinh xã hội khi có quá nhiều lao động mất việc làm và nhiều lĩnh vực sản xuất không còn hoạt động thì lấy gì mà tái cơ cấu cũng như chuyên nghiệp hóa.
Doanh nghiệp BĐS cũng nằm trong các doanh nghiệp đem lại công ăn việc làm cho rất nhiều lao động nên khi có các chính sách hỗ trợ cũng cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp chứ không nên gạt doanh nghiệp BĐS ra khỏi các gói hỗ trợ của chính phủ.