Doanh nghiệp bắt tay trường nghề giải bài toán nhân lực

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân chỉ ra mấu chốt trong đảm bảo cung ứng nhân lực chất lượng cao, là doanh nghiệp và trường nghề phải hợp tác chặt chẽ, đi cùng lợi ích hai bên, chấm dứt tình trạng doanh nghiệp không hài lòng với chất lượng đào tạo nghề.
Nhấn mạnh sự thay đổi của giáo dục nghề nghiệp, Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Quân cho rằng, trường nghề muốn đổi mới chỉ có nhờ doanh nghiệp.

Chiều 15/11, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ trì hội thảo "Thực trạng và giải pháp gắn kết giáo dục nghề nghiệp và người đào tạo doanh nghiệp", đây là hoạt động bên lề của Diễn đàn Quốc gia với chủ đề "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam".

Thứ trưởng Lê Quân cho rằng, liên kết doanh nghiệp và trường nghề là khâu đột phá. Mọi giải pháp từ nâng cao chất lượng, đẩy mạnh tự chủ trong đào tạo giáo dục nghề nghiệp đều nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực của doanh nghiệp. Muốn vậy, phải có sự tham gia của doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, ông Quân cho rằng, doanh nghiệp cần nhân lực, thì việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực là trách nhiệm, quyền lợi của họ. Chỉ khi doanh nghiệp chủ động hợp tác với trường nghề để chuẩn bị nhân lực cho mình, lúc đó doanh nghiệp sẽ hài lòng. Nếu doanh nghiệp chỉ đứng ngoài để tuyển dụng, sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không tuyển được.

Trong thời gian tới, ông Quân yêu cầu, trường nghề cần chấm dứt tình trạng doanh nghiệp không hài lòng, kêu ca về chất lượng đào tạo của trường nghề. Ông nêu ra thực tế, nếu trường nghề không hợp tác với doanh nghiệp, thì trường nghề không sống và phát triển được. Nhà trường không thể trông chờ nguồn lực tài chính, công nghệ, kỹ thuật từ nhà nước. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính của các gia đình có con em tham gia học nghề còn rất hạn chế, người học chỉ có sức lao động, trình độ, kiến thức.

“Chỉ khi nhà trường và doanh nghiệp cùng có động lực, áp lực thì mới bắt tay hiệu quả được, không thể có hợp tác trên giấy, mang tình hình thức. Hợp tác phải găn với lợi ích. Nếu không có lợi ich, chúng ta không có hợp tác thực chất”, Thứ trưởng Quân nói.

So sánh giáo dục đại học với giáo dục nghề nghiệp, ông Quân chỉ ra, giáo dục đại học trả lời câu hỏi tại sao, giáo dục nghề nghiệp đào tạo ra những người trả lời câu hỏi như thế nào. Trong khi đại học đào tạo ra sinh viên có tư duy tổng hợp, đổi mới sáng tạo nhưng cần thời gian làm quen với thực tiễn, thì giáo dục nghề tập trung vào cung ứng nhân lực mà doanh nghiệp cần, đào tạo kỹ năng.

Toàn cảnh Hội thảo

Nguồn tuyển sinh rộng, nhiều tiềm năng mà các trường nghề nên hướng tới là hợp tác cùng doanh nghiệp cần, phát triển đội ngũ lao động đang có, thích hợp với thay đổi của môi trường kinh doanh, phát triển.

Theo khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH, thực trạng chi cho đào tạo lao động tại doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 300.000-500.000 đồng/năm, tương đương 10-20% tháng lương. Mức chi đó phù hợp với 10 năm trước. Trong 10 năm tới, doanh nghiẹp phải cạnh tranh nhiều bằng đổi mới sáng tạo, giá trị gia tăng, do đó, doanh nghiệp phải tập trung nhiều hơn cho  công tác đào tạo, đào tạo lại người lao động.

Tại Việt Nam, có 55 triệu lao động, trong đó, 24% qua đào tạo, 35% làm việc ở khu vực nông nghiệp, và một một lượng lớn phải đào tạo lại. Do đó, doanh nghiệp và trường nghề phải hợp tác đào tạo thật tốt, thực chất, không phải để cấp chứng chỉ. “Chứng chỉ chỉ là một phần, quan trọng hơn là việc có đội ngũ chất lượng”, ông Quân khẳng định.

Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục giáo dục nghề nghiệp) Đào Văn Tiến thống kế, số lượng lao động tăng hàng năm trung bình trên 1 triệu người, tuy nhiên, những năm gần đây chỉ tăng 400-500.000 lao động/ năm. Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng, số lượng doanh nghiệp thành lập mới rất nhiều, kéo theo nhu cầu tuyển dụng lao động cao. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp du lịch, khu công nghiệp lại rơi vào cảnh khó tuyển người.

Về khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp gặp phải khi tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, Bà Vi Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) lần lượt chỉ ra, đầu tiên về mặt chính sách, còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Khi ít doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi về thuế. Thêm vào đó, quy định người tham gia đào tạo ở doanh nghiệp phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cũng là rào cản lớn với doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, đại diện VCCI kiến nghị, cần tiếp tục sửa đổi các bộ luật liên quan, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, khuyến khích doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp.

Hội thảo là diễn đàn để Bộ LĐ-TB&XH, VCCI, đại diện các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề… cùng thảo luận, lắng nghe ý kiến các bên liên quan để gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; yêu cầu, mong muốn của doanh nghiệp với nhà trường và ngược lại.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam" còn diễn ra các hội thảo song song, gồm: Khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và đào tạo nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu cách mạng 4.0; Phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp và người đào tạo trong doanh nghiệp; Tổ chức và hoạt động của hội đồng kỹ năng - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam; Đổi mới cơ chế tài chính trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Bên lề là triển lãm ảnh và thiết bị đào tạo giáo dục nghề nghiệp, Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các nhà trường nghề và doanh nghiệp.