Trùng tu hay là phá?
Chiều 30-7, đại diện Ban Quản lý di tích danh thắng- Sở VHTT Hà Nội đã phối hợp cùng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Ứng Hòa kiểm tra hiện trạng xây dựng đình.
Đình Lương Xá bao gồm các hạng mục Nghi môn, Đại bái, Hậu cung cùng sân tường bao quanh. Việc xây dựng đã hạ giải toàn bộ Đại bái, Hậu cung. Vị trí trước đây là đình cũ với kiến trúc gỗ được thay thế hoàn toàn bằng kết cấu bê tông, hiện đã dựng cột, bộ vì và đang hoàn thiện phần mái. Các cấu kiện gỗ, chi tiết mảng chạm, hiện vật chất liệu gỗ được tập kết lưu giữ tại sân và nhà kho- nhà văn hóa thôn Lương Xá.
Hiện tại, Sở VHTT Hà Nội cũng đã có văn bản gửi UBND huyện Ứng Hòa đề nghị lãnh đạo huyện chỉ đạo các phòng ban chức năng, UBND xã Liên Bạt, Ban Quản lý di tích cơ sở đình chỉ hoạt động xây dựng vi phạm Luật Di sản Văn hóa nói trên. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Tuyên truyền phổ biến đến chính quyền, nhân dân thôn Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa nói chung về Luật Di sản Văn hóa cùng các quy định về bảo tồn và tu bổ di tích.
Ai chịu trách nhiệm?
Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Đức Bình cho biết, ông bàng hoàng, thậm chí không thể tin vào mắt mình khi thấy đình Lương Xá bị hạ giải và tu bổ một cách bừa bãi và không tuân theo bất cứ quy định nào về bảo vệ di sản. Đáng tiếc hơn nữa, việc trùng tu sai, trùng tu ẩu, cùng việc thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật đã từng có nhiều ví dụ điển hình, diễn ra muôn hình vạn trạng, không có vụ việc nào giống vụ việc nào và luôn trở thành “sự đã rồi” cuối cùng chỉ có di sản mất đi và không có ai phải chịu trách nhiệm cả.
Sau nhiều di tích cứ trùng tu là phá, sau trường hợp đình Lương Xá này rất mong các cơ quan quản lý nhà nước đề ra các cơ chế chính sách phù hợp với thực tế để kịp thời ngăn chặn sự việc tương tự.
Trước sự việc đáng tiếc của đình Lương Xá, có người nói rằng do đình Lương Xá chưa được xếp hạng, chưa có hành lang pháp lý ngăn chặn, chế tài xử lý....Ông Trương Minh Tiến- Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội giải thích, dù đình chưa được xếp hạng, nhưng nằm trong danh mục kiểm kê cần được bảo vệ. Vì vậy, việc tu bổ phải xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền trong đó có Sở VHTT Hà Nội. Thế nhưng, đến thời điểm này, Sở VHTT Hà Nội chưa nhận được bất cứ văn bản xin ý kiến nào của UBND huyện Ứng Hòa.
Hà Nội sau mở rộng địa giới hành chính có gần 5.924 di tích, trong đó có hơn 2.400 di tích được xếp hang. Còn có quá nửa di tích chưa được xếp hạng nhưng cũng rất có giá trị cần được bảo vệ. Việc kiểm kê đưa vào danh mục đã là cơ sở pháp lý quan trọng bảo vệ các di sản có giá trị . Hiện tại UBND TP đang lên kế hoạch từng bước xếp hạng các di tích có giá trị này.