Đồ ăn dát vàng giá ngàn đô có tốt cho cơ thể?

Dù là chất không thể dung nạp vào cơ thể qua đường tiêu hóa thông thường, nhưng những món ăn làm từ vàng thực phẩm vẫn luôn đắt khách, và được chào đón với mức giá hàng ngàn USD.
Vàng nguyên chất không thể hấp thụ qua đường tiêu hóa thông thường, nhưng những thực phẩm có nguyên liệu từ kim loại này vẫn vô cùng đắt khách, dù chúng có mức giá không hề rẻ. Ảnh: CNBC.

Được dùng như một loại tiền tệ trong giao thương từ vài thế kỷ nay và từng bước được ứng dụng trong một số ngành liên quan đến sức khỏe, thẩm mỹ như giảm đau khớp, phẫu thuật làm đẹp... ngày nay, vàng còn được dùng như một món ăn thời thượng.

Trên thế giới có rất nhiều nhà hàng đã đưa ra thực đơn với món ăn làm từ vàng lá, bụi vàng, hay thậm chí cả đồ uống thảo mộc truyền thống với một phần nguyên liệu từ vàng tán, có mức giá cực kỳ đắt đỏ, từ hàng trăm cho đến vàng ngàn USD.

Trong danh sách phụ gia thực phẩm dùng trong Liên minh châu Âu, vàng được xem như một loại chất tạo màu. Chúng thường được cán mỏng thành vàng lá, làm thành dạng bông hoặc dạng bột. Năm 2012, khách sạn Emirates Place ở Abu Dhabi đã phải chi trung bình 40 USD cho mỗi 100 mg bột vàng có thể ăn được. Tuy nhiên, người ta ít khi ăn vàng nguyên chất. Những hợp chất rẻ hơn của vàng 24K như 22K và 18K được dùng phổ biến hơn trong ngành thực phẩm.

Sự lầm tưởng về khả năng mang lại sức khỏe của vàng khiến kim loại này trở thành nguyên liệu thực phẩm dành cho vua chúa, quý tộc và giới giàu có trên khắp thế giới trong suốt nhiều thế kỷ. Thực tế, giá trị dinh dưỡng không phải điều làm nên mức giá đắt đỏ của những thực phẩm được chế biến từ vàng. Bởi vàng không có mùi vị, không thể dung nạp vào cơ thể qua đường tiêu hóa thông thường dù được chế biến dưới bất cứ dạng nào.

Đến ngày nay, vàng vẫn được dùng trong một số thực đơn đặc biệt, từ bánh kem, sushi, nước sốt hay pizza, thậm chí trong những loại đồ uống, thức ăn truyền thống. Lý do duy nhất để vàng trở thành nguyên liệu món ăn và biến những thực phẩm ấy trở nên đắt đỏ là bởi chúng có giá trị kinh tế cao, hiếm có và là biểu trưng cho quyền lực, sự chịu chơi của khách hàng.

Điều ít người biết là dù vàng nguyên chất gần như không gây ra bất cứ kích thích hay ngộ độc nào với người, thì các loại muối vàng (vàng đã bị oxi hóa trong axit hay base) lại có thể gây độc cấp tính cho cơ thể. Vì thế, muốn ăn vàng, khách phải tìm đến những nhà hàng đẳng cấp, ví như khách sạn Hoàng cung Kempinski tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hay khách sạn Emirates Place ở Abu Dhabi, UAE để nếm vàng nguyên chất, và chi số tiền hàng ngàn USD.

Việc khai thác vàng từ lâu đã là ngành công nghiệp mang lại giá trị cao, dù chi phí thăm dò, sản xuất không hề nhỏ. Giống như kim cương, vàng đắt bởi sự hiếm có, chỉ tập trung chủ yếu tại một số khu vực, trong đó có châu Phi (chiếm 1/2 tổng trữ lượng vàng toàn thế giới). Trong một thập kỷ qua, vàng đã tăng giá từ mức 450 USD/ounce lên 1.140 USD/ounce, và trở thành loại hàng hóa "trú chân" trong những cuộc khủng hoảng kinh tế của giới đầu tư quốc tế.

Với những tính chất trơ, dẫn điện, dẫn nhiệt tốt, dẻo, dễ cán mỏng, vàng được dùng nhiều nhất ngành công nghiệp chế tạo và thời trang. Năm 2013, Viện Tiêu chuẩn vàng của Mỹ ước tính, trữ lượng vàng trên thế giới đạt 2,5 triệu tấn và có khoảng 52.000 tấn vàng đã được khai thác có giá trị kinh tế.

Theo Theo Zing