PGS.TS Trần Hậu Khang, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương (DLTƯ), bước đầu nhận định đây là căn bệnh mang tính dịch tễ, xuất hiện trong một khu vực nhất định, có gia đình có đến 2-3 người mắc. Qua điều trị miễn phí cho năm ca nặng nhất chuyển từ tỉnh Quảng Ngãi ra hồi tháng 5, các chuyên gia sơ bộ cho đây là căn bệnh dày sừng lòng bàn tay, bàn chân có rối loạn chức năng gan. Bệnh viện DLTƯ đã tổ chức hội chẩn với các chuyên gia của BV Bạch Mai, Viện Huyết học T.Ư, Bệnh viện các Bệnh Nhiệt đới T.Ư, và chuyên gia da liễu từ Nhật Bản, Canada, Mỹ. Họ cũng đồng tình với chẩn đoán trên.
Người mắc bệnh có da lòng bàn tay, bàn chân dày sừng, nổi sần rồi bong từng lớp, một số có lở loét ở miệng. Xét nghiệm cho thấy men gan tăng cao. Sau một tháng điều trị theo phác đồ mà Viện DLTƯ đưa ra, năm bệnh nhân nặng đã bình phục và xuất viện.
Đợt điều tra hiện trường lần này, các chuyên gia sẽ trực kiểm tra tình trạng sức khỏe của nhóm bệnh nhân nói trên cũng như hơn 40 bệnh nhân được điều trị khỏi tại địa phương. Đề cập trường hợp một bé gái 12 tuổi tử vong với triệu chứng tương tự, TS Khang cho hay, cần xác định xem bệnh nhi có đúng tử vong do bệnh này hay không.
Các xét nghiệm bước đầu tại Bệnh viện DLTƯ không tìm thấy dấu hiệu của hóa chất độc hại trong nước như thạch tín (arsenic). Cũng chưa tìm thấy các yếu tố liên quan môi trường, nhiễm trùng, nấm hay virus. Bộ Y tế vẫn quyết định thành lập đoàn chuyên gia, do Viện DLTƯ chủ trì, về địa phương vào đầu tháng 10 để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh.
Sau một thời gian tạm lắng kể từ lần đầu tiên ghi nhận hồi tháng 5, mới đây ghi nhận ba ca mới, nâng tổng số mắc lên 52 người.