Trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng Chính phủ về tình trạng cư dân khiếu nại và phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản, Bộ Xây dựng chỉ ra có hơn 215 dự án xảy ra khiếu nại, tranh chấp. Trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án, với nội dung tranh chấp nhiều nhất là về phí bảo trì chung cư. Nhiều chủ đầu tư cố tình không bàn giao hoặc chậm bàn giao, hay chỉ bàn giao một phần phí bảo trì chung cư cho ban quản trị, vi phạm quy định hiện hành.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS, một trong những nguyên nhân khiến nhiều chủ đầu tư chây ì thực hiện chuyển quỹ bảo trì cho Ban quản trị chung cư là hiện chưa có quy định, chế tài xử phạt nghiêm những chủ đầu tư vi phạm.
Theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở quy định rõ trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn, Ban quản trị có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư, yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.
Sau thời hạn 7 ngày kể từ khi UBND cấp tỉnh, thành phố có quyết định yêu cầu bàn giao quỹ bảo trì mà chủ đầu tư vẫn không bàn giao thì sẽ tiến hành cưỡng chế qua tài khoản của chủ đầu tư. Sau 3 ngày, tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản sẽ tiến hành cưỡng chế, chuyển tiền của chủ đầu tư cho Ban quản trị chung cư. Nếu phương án cưỡng chế qua tài khoản không thành thì UBND tỉnh, thành phố sẽ cưỡng chế qua tài sản.
Tuy quy định là vậy nhưng thực tế việc cưỡng chế không hề đơn giản. Theo một số luật sư, hiện chưa có các quy định chi tiết hướng dẫn về định giá tài sản. Chưa kể nếu như chủ đầu tư đã bán hết tài sản thì không còn gì để cưỡng chế.
Trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân mà Bộ Xây dựng vừa báo cáo đa phần tranh chấp liên quan đến kinh phí bảo trì như: Chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho Ban quản trị (39/108 dự án, khoảng 36%) ; Chủ đầu tư không nộp kinh phí bảo trì đối với phần diện tích thuộc sở hữu riêng (3/108 dự án); Chủ đầu tư chiếm dụng kinh phí bảo trì để sử dụng vào mục đích khác (4/108 dự án); Chủ đầu tư không công khai, minh bạch trong việc sử dụng kinh phí bảo trì cho tòa nhà (1/108 dự án); Các bên không thống nhất được số liệu quyết toán để xác định kinh phí bảo trì mà Chủ đầu tư phải bàn giao cho Ban quản trị (6/108 dự án)....
Còn cư dân khu chung cư Starcity, 81 Lê Văn Lương (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), do liên danh giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương và Công ty cổ phần Đầu tư thương mại VNECO Hà Nội làm chủ đầu tư chủ đầu tư nhiều tuần nay tập trung xuống đường căng băng rôn cầu cứu khi đoàn Thanh tra Sở Xây dựng đến làm việc về những sai phạm tại dự án này. Trong đó có việc chủ đầu chưa bàn giao hết quỹ bảo trì cho dân.
Sau khi tiến hành kiểm tra, đoàn kiểm tra kết luận, chủ đầu tư mới chỉ bàn giao gần 2,5 tỷ đồng trên khoảng 30 tỷ đồng phải bàn giao cho Ban quản trị và yêu cầu chủ đầu tư thống nhất lộ trình bàn giao kinh phí bảo trì theo đúng quy định của pháp luật, thời gian thực hiện trước ngày 15/5/2018.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, chiều 15/6, ông Vũ Văn Thanh - Trưởng Ban quản trị chung cư Starcity cho biết, đến thời điểm hiện tại, ngoài 2,5 tỷ đồng đã bàn giao trước đó phía chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao phần quỹ bảo trì còn lại cho Ban quản trị quản lý theo cầu của đoàn kiểm tra.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, lâu nay nhiều chủ đầu tư sau nhiều năm không hoàn trả khoản phí này, tranh chấp với cư dân rất căng thẳng nhưng chẳng có chủ đầu tư nào bị xử lý hay cưỡng chế theo quy định nên mới vậy.
“Tôi cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước phải có những chế tài đủ mạnh để chủ đầu tư không dám chây ì. Việc Bộ Xây dựng đề nghị cơ quan công an điều tra, khởi tố xử lý hình sự các chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng là một biện pháp mạnh để xử lý dứt điểm việc này”, ông Liêm nhấn mạnh.
Đại diện Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, Ban quản trị được dân bầu ra sau đại hội cư dân tòa nhà và đã được chính quyền địa phương thừa nhận thì hoàn toàn có đủ tư cách để thay mặt cư dân nhận bàn giao phí bảo trì. "Đối với trường hợp chủ đầu tư chây ỳ bàn giao phí bảo trì người dân có quyền nghi ngờ phí bảo trì đã bị chủ đầu tư sử dụng sai mục đích, thậm chí đã tiêu hết. Như vậy, các cơ quan quản lý cần vào cuộc để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người mua nhà. Thậm chí, nếu chủ đầu tư có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản có thể xử lý hình sự, việc đề xuất điều tra, khởi tố các chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng hành vi này là điều cần thiết", vị cán bộ khẳng định.