Cú sốc của một doanh nhân
Một ngày của ông V.P, một doanh nhân 71 tuổi đang sinh sống tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, bắt đầu từ khá sớm. Sáng nào ông cũng dành thời gian tập thể dục trên ban công, cảm nhận sự bình yên và trong lành của một sớm mai, tận hưởng sự thư thái trong tâm hồn và lắng nghe cơ thể mình. Sau đó, ông P. tưới cây, chăm sóc mấy chậu hoa, ăn sáng rồi mở laptop kiểm tra tiến độ công việc, trao đổi mail với đối tác…
Những việc rất giản đơn, bình dị đó, đã có lúc, ông tưởng chừng mình không còn cơ hội để làm nữa. Đó là giai đoạn ông suy sụp và hoang mang khi phát hiện bị ung thư phổi hồi 4 năm trước…
Do khối u quá to, không thể phẫu thuật được, sau khi nghe lời bác sĩ tư vấn, ông P. đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tìm hiểu về phương pháp điều trị ung thư mới, đó là phương pháp miễn dịch. “Lúc đó tôi bi quan lắm, nhưng nghĩ rằng còn nước còn tát, còn thời gian còn có thể điều trị thì mình phải thử hết mọi phương pháp. Biết liệu pháp điều trị miễn dịch đã được giải Nobel Y học, tôi thấy tin tưởng và quyết định điều trị bằng phương pháp này. Biết đâu đó là cơ hội cứu sống mình”, ông P. kể.
Sau khi làm xét nghiệm và kết quả phù hợp, ông P. bắt đầu điều trị bằng phương pháp miễn dịch. Cứ 3 tuần 1 lần, ông lại đến bệnh viện. Đã 4 năm trôi qua, tiếp xúc rất nhiều bệnh nhân nhưng Bác sĩ Nguyễn Tuấn Khôi - người trực tiếp điều trị cho ông P. vẫn còn nhớ rất rõ: “Ông P. vào bệnh viện khi ung thư phổi đã vào giai đoạn 4, khối u ở bên phổi phải rất lớn, di căn rất nhiều 2 phổi. Khi nói chuyện với tôi, giọng ông bị đứt quãng vì khó thở. Nhưng sau khi điều trị bằng phương pháp miễn dịch, thì chỉ trong lần đầu tiên kết quả đã chuyển biến thấy rõ. Các cảm giác như mệt, khó thở đã giảm đi 50%. Sau khi điều trị hơn 2 tháng, chụp CT lại thì khối u đã giảm rất ngoạn mục”.
Nhớ lại thời điểm đó, ông P. mỉm cười kể: “Khi biết khối u đã nhỏ lại, tôi rất vui. Lúc đó do bệnh viện có nhiều bệnh nhân quá chứ không là tôi la lên ngay”.
Hiện nay, cứ 4 – 6 tháng, ông P. đi tái khám và chụp CT một lần. Khi mới phát hiện, kích thước khối u là 3 con số, nhưng sau một thời gian điều trị, kích thước khối u chỉ còn 2 con số. “Đến lần tái khám vừa rồi, khối u chỉ còn 2 con số. Tôi cũng hy vọng trong quá trình điều trị mà nó cứ nhỏ dần đi thì rất mừng”, ông P. phấn khởi nói.
Cuộc sống có nhiều điều kỳ diệu
Ông P. cho biết, khi bắt đầu bị bệnh, ông ăn chỉ để cho no chứ không cảm nhận được gì, cũng không thấy ngon. Lúc đó, ông suy sụp nên người gầy hẳn đi. Còn bây giờ, không những ăn uống bình thường, mà ông còn tăng cân, da dẻ hồng hào hơn, sắc mặt tươi tắn hơn. “Người ta nói ung thư sống nhiều lắm là 2 năm, 3 năm là “đi” rồi chứ đâu còn ngồi đây. Nhưng cuộc sống có nhiều điều kỳ diệu lắm”, ông P. mỉm cười nói.
Điều kỳ diệu, đó là khi đi truyền thuốc, nhiều người bệnh thắc mắc tưởng ông mới đi tiêm thuốc lần đầu, khi biết ông đã tiêm lần thứ 10, họ ngạc nhiên hỏi ông sao không rụng tóc, sao da không bị tái mét?
Điều kỳ diệu là sau khi truyền thuốc về, ông không bị vật vã, không bị mất ngủ, biếng ăn, sụt cân,… như nhiều bệnh nhân ung thư, mà vẫn ăn uống bình thường, lại còn tăng cân, khỏe mạnh hơn. “Bạn bè nhiều người không biết tôi bị ung thư phổi, gặp tôi cứ khen sao dạo này trông trẻ, trông mập mạp ra vậy”, ông V.P cười khà khà, nói.
Vị doanh nhân già chiêm nghiệm: “Khi mắc ung thư tôi nghĩ chỉ sớm hay muộn là “đi”, không biết kéo dài thời gian sống được bao lâu. Tôi cũng nghe nói ung thư giai đoạn cuối sẽ hành hạ làm mình đau đớn nên sợ. Nhưng không ngờ điều kì diệu đến với mình, không ngờ khi vô thuốc tôi vẫn bình thường, thậm chí hàng xóm không ai biết tôi bị bệnh”.
Từ khi điều trị bệnh, vị doanh nhân đã biết quý trọng sức khỏe của mình. Nhìn lại những năm tháng “chinh chiến” trên thương trường, hăng say làm việc bất kể ngày đêm, rồi hút thuốc lá, rồi phải uống rượu bia khi tiếp đối tác, … ông giật mình nhận ra bao năm tháng tuổi trẻ mình đã bỏ quên một thứ rất quan trọng: sức khỏe.
Giờ đây, ông P. đã sắp xếp lại cuộc sống của mình, cho phép mình được sống chậm hơn, sâu lắng hơn, điều độ hơn. Hiện tại, ông cũng vẫn làm việc nhưng đã giao cho các con làm nhiều hơn và đứng đằng sau để cố vấn. Ông thường dậy sớm, một ngày tập thể dục 2 lần và còn tham gia nhóm tập Yoga mỗi tuần một lần.
Là người trực tiếp điều trị cho ông P. từ những ngày đầu, chứng kiến cả những lúc bệnh nhân tiều tụy nhất cho đến khi sức khỏe tiến triển ngoạn mục, bác sĩ Nguyễn Tuấn Khôi bày tỏ sự lạc quan: “Chúng tôi không dám tự hào tất cả bệnh nhân ung thư phổi đều được như ông P. nhưng xác xuất những người được như ông P. càng ngày càng cao”.
Nhìn lại hành trình của ông P., bác sĩ Khôi nhận xét: “Điều trị bằng phương pháp miễn dịch có rất ít tác dụng phụ, mang lại lợi ích lớn nhất cho bệnh nhân là có chất lượng cuộc sống như bình thường, tức là không có một dấu vết gì do ung thư để lại cũng như không thấy dấu vết gì về tác dụng phụ”.
Từ chính trải nghiệm của mình – một người từng rơi xuống vực sâu tuyệt vọng cho đến khi tìm thấy hy vọng thoát khỏi “án tử” của căn bệnh ung thư, ông P. luôn đau đáu một chuyện không phải dành cho mình, mà là cho nhiều người bệnh gia cảnh khó khăn ông đã gặp trong mấy năm điều trị. Đó là chi phí của phương pháp điều trị miễn dịch. Ông V.P gửi gắm: “Tôi thấy phương pháp điều trị này rất tốt nhưng chi phí điều trị hiện nay cao quá, chỉ những người có tài chính thì mới theo được. Mà như vậy thì nhiều người bệnh khác không có tài chính tốt sẽ không có cơ hội được điều trị, sẽ bị mất đi cơ hội được sống dù có được phát hiện bệnh sớm. Tôi rất mong nên sớm đưa thuốc này vào danh mục được hưởng bảo hiểm y tế để mang đến cơ hội sống cho nhiều người hơn nữa. Người bệnh ung thư thì đâu có thể chờ lâu được. Cho nên tôi nghĩ thời gian xem xét phê duyệt danh sách thuốc được bảo hiểm y tế chi trả phải diễn ra thường xuyên hàng năm”.