Đổi thay đời sống người dân
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Bùi Văn Biền, sinh năm 1968, thôn Áng Bằng (xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) cho biết, mang tiếng thuộc khu kinh tế nhưng thôn nằm ở trên núi cao, vị trí giáp ranh với tỉnh Hòa Bình. Đường giao thông lên núi đi lại khó khăn, trường, trạm, tất cả đều không có. Muốn trồng cây, các hộ phải kéo ống nước dài hơn 1 km từ hang và dùng máy bơm để tưới. Nước sinh hoạt hết sức tằn tiện.
Theo ông Biền, từ năm 2003, người dân trong thôn bắt đầu có điện nhờ tuyến dây điện “dùng nhờ” của bên quân đội. Thôn nằm trên núi cao nên đường điện kéo rất xa, điện áp yếu, chỉ đủ dùng vào việc thắp sáng. Điều kiện khắc nghiệt, không ít hộ dân trong khu kinh tế đã nhiều lần định buông xuôi, bỏ về làng cũ.
“Trước chưa có điện lưới, nhiều nhà phải dùng máy nổ hoặc kéo điện vượt núi để dùng với chi phí tiền điện hơn 4.000 đồng/kWh. Chi phí cao nhưng do điện phải kéo dây quá xa, chất lượng điện không ổn định. Điện áp yếu đến mức cắm tủ lạnh 6 tiếng vẫn không có đá, quạt trong nhà bật hết cỡ cũng chỉ quay lờ đờ, không đủ đuổi ruồi. Tổn hao điện cao khiến chi phí tiền điện hàng tháng mỗi hộ trung bình 600 nghìn đồng. Nay dùng điện lưới, tiền điện mỗi tháng chỉ khoảng 200 nghìn đồng”, ông Biền kể.
Điện lưới ổn định đã góp phần không nhỏ vào thay đổi đời sống người dân ở các vùng sâu vùng xa là nhận định của chị Phùng Thị Sáu (sinh năm 1970), người có hơn 20 năm sinh sống ở khu kinh tế Áng Bằng. Chị Sáu cho biết, từ khi có điện, chăn nuôi ở trong thôn phát triển rõ rệt. Sinh sống trên vùng cao giá lạnh, người dân phải dùng đèn công suất lớn để sưởi ấm cho gà. Dù lắp nhiều bóng đèn nhưng do điện áp thấp, nhiệt tỏa ra không đủ, gà chết liên tục. Những hộ có điều kiện hơn, phải thuê máy nổ đặt ở dưới làng rồi kéo dây điện hơn 1km lên núi để sưởi ấm cho gà. Chi phí cao, lời lãi chả được bao nhiêu. Cuộc sống người dân bao năm không thoát khỏi cảnh nghèo đeo đẳng.
“Từ khi có điện, tôi mạnh dạn huy động tiền của họ hàng, anh em đầu tư nuôi gần 1 vạn con gà và trồng na, sấu cùng hơn 1 nghìn cây bưởi Diễn. Có điện sưởi ấm liên tục, cảnh gà chết vì rét không còn. Có điện, làm ăn được, giờ nhiều hộ đã có tivi, nồi cơm điện, và tủ lạnh”, chị Sáu cho biết.
Ông Nghiêm Văn Thuận, 47 tuổi, cho biết, trước đây dân trong thôn muốn xem tivi phải chạy thêm máy phát điện. Điện áp thấp, tổn hao điện năng cao, mỗi tháng gia đình ông phải trả tới 400 nghìn tiền điện. Giờ dùng điện lưới chỉ hết 200 nghìn đồng. “Có điện, gia đình cũng mạnh dạn đầu tư nuôi gần 3.000 con gà. Cuộc sống của gia đình khấm khá lên hẳn”, ông Thuận cho hay.
Ông Phùng Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Tuy Lai cho biết, xã có 3.940 hộ với xấp xỉ 13.900 dân và thuộc diện xã nghèo. Trong đó, 41 hộ dân thuộc thôn Áng Bằng là nghèo khổ nhất vì ở trên núi cao, đường giao thông đi lại không thuận tiện. Tổng công ty Điện lực Hà Nội quan tâm đầu tư trạm biến áp, kéo điện lưới cung cấp ổn định, bà con rất phấn khởi. Nhiều nhà đã mua máy xay xát gạo cùng các thiết bị điện khác để phục vụ sản xuất kinh doanh. Nhờ đó đời sống bà con đã thay đổi hẳn. “Mong ngành điện nói chung, EVN Hà Nội nói riêng sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình tri ân khách hàng, nhiều hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn xã Tuy Lai”, ông Thu nói.
Đến “Thắp sáng những miền quê”
Trong Tháng Tri ân khách hàng, ngoài các hoạt động thay bóng đèn tiết kiệm điện, sửa chữa điện miễn phí cho các hộ nghèo, thực hiện nhiều chương trình tri ân khách hàng, ngành điện Thủ đô cũng thực hiện chương trình “Thắp sáng miền quê” tại thôn Lai Tảo, xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức. Theo đó, EVN Hà Nội đưa vào vận hành hệ thống chiếu sáng miễn phí tại thôn Lai Tảo giúp tuyến đường tối tăm, heo hút trở nên sáng sủa, tạo bộ mặt nông thôn mới. Ông Lê Ngọc Tư, Trưởng thôn Lai Tảo cho biết, từ khi EVN Hà Nội lắp đặt hệ thống chiếu sáng miễn phí cho thôn, việc đi lại vào buổi tối của người dân đã dễ dàng, thuận tiện hơn rất nhiều. Con đường đã hết tối tăm, bà con trong thôn tham gia các sinh hoạt rất đông. Một số gia đình bắt đầu hình thành thói quen đi dạo, đi bộ thể dục vào buổi tối.
“Hoạt động Thắp sáng miền quê của EVN Hà Nội có ý nghĩa lớn với cộng đồng. Tuyến đường được thắp sáng sẽ đem lại các lợi ích như thuận tiện đi lại, phát triển kinh tế dễ dàng hơn, hỗ trợ công tác bảo vệ an ninh trật tự, giảm thiểu tệ nạn xã hội trên địa bàn, giảm số lượng vụ tai nạn giao thông”, ông Lê Ngọc Thực, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã Bột Xuyên nói.