Diện mạo bùng binh Bến Thành sau hơn 100 năm

Được hình thành cách đây hơn 100 năm, bùng binh Bến Thành với tượng đài danh tướng Trần Nguyên Hãn và liệt sĩ Quách Thị Trang đã trở thành biểu tượng, trong ký ức bao thế hệ khi nhớ về Sài Gòn.

Bùng binh Bến Thành (TPHCM) và các phố cổ những năm 1920-1930. Bùng binh được người Pháp xây dựng song song cùng với chợ Bến Thành từ năm 1912 đến tháng 3/1914 thì hoàn tất. Từ năm 1964, tượng đài tướng quân Trần Nguyên Hãn (khởi nghĩa Lam Sơn, thế kỷ 15) và Quách Thị Trang (nữ sinh ngã xuống trong biểu tình chống chế độ trước chợ Bến Thành năm 1963) được xây dựng tại đây. Hai tượng đài mang đến cho bùng binh Bến Thành nét lịch sử hào hùng (Ảnh: TL).

Tuy nhiên, nhằm phục vụ cho việc thi công nhà ga metro Bến Thành - Suối Tiên, cuối năm 2014, tượng đài Trần Nguyên Hãn đã được di dời về bảo quản tại công viên Phú Lâm (quận 6), tượng bán thân Quách Thị Trang đã được chuyển về công viên Bách Tùng Diệp (quận 1). Toàn bộ khu vực mặt bằng của bùng binh Bến Thành đã được dỡ bỏ và thi công ga metro ngầm.
Hơn 100 năm tồn tại, bùng binh Bến Thành - Công trường Quách Thị Trang như là một biểu tượng đặc trưng của người dân TPHCM. Hiện tại, khu vực bùng binh này đã thay đổi hoàn toàn sau nhiều năm thi công ga ngầm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Bùng binh Bến Thành là nơi quy tụ của 7 con đường: Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Hàm Nghi, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Lai, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh.
Xoay quanh bùng binh là chợ Bến Thành, tòa nhà hỏa xa, bến xe, công viên, bệnh viện, tượng đài, bảo tàng, phố đồ cổ, phố ngân hàng... Tất cả làm nên một bức tranh đô hội, một giai điệu sôi động trong ký ức bao thế hệ khi nhớ về Sài Gòn.
Sau khi tượng Trần Nguyên Hãn được di dời, hiện khu vực này không còn thiết kế kiểu bùng binh, thay vào đó là một giao lộ lớn được nối từ 4 con đường Hàm Nghi - Lê Lợi - Lê Lai - Trần Hưng Đạo. Khu vực này cũng được lắp hệ thống đèn giao thông để phân luồng các phương tiện.
Những năm gần đây, cảnh nhộn nhịp của bùng binh Bến Thành thuyên giảm do có công trường nhà ga Metro. Hiện tại, khu vực bùng binh ngày nào được kẻ vạch sơn cho người đi bộ, lắp các giải phân cách, đèn tín hiệu, bảng chỉ dẫn giao thông.
Trạm điều hành xe buýt Bến Thành phía trước bùng binh Bến Thành được dời sang đường Hàm Nghi (quận 1) hồi năm 2017. Trạm điều hành xe buýt này là đầu mối quy tụ tất cả các tuyến xe buýt từ các quận, huyện về trung tâm thành phố.
Trước đây, khu vực dưới chân tượng Trần Nguyên Hãn và tượng Quách Thị Trang là nơi được nhiều người dân, du khách tìm đến để check-in, chụp hình lưu niệm khi ghé thăm TPHCM và chợ Bến Thành. Tuy nhiên, hiện khu vực này được thay vào bằng những giải phân cách, các bảng hiệu chỉ dẫn giao thông.
Hình ảnh bùng binh Bến Thành về đêm thời điểm chưa tháo dỡ và hiện tại. Bên cạnh chợ Bến Thành, các dấu tích còn lại là khu Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, tòa nhà hỏa xa cổ kính, nằm ở đầu đường Hàm Nghi.
Sau hơn 100 năm tồn lại, bùng binh Bến Thành - Công trường Quách Thị Trang đã thay đổi gần như hoàn toàn sau khi được tháo dỡ để thi công các công trình giao thông trọng điểm của thành phố. Theo quy hoạch khu trung tâm TPHCM hiện hữu, sau khi hoàn thành nhà ga ngầm cho các tuyến metro trước chợ Bến Thành, khu vực này sẽ được thiết kế thành quảng trường hiện đại, một trong những địa điểm vui chơi mới của người dân và du khách khi đến với TPHCM.

Link bài gốc: https://dantri.com.vn/xa-hoi/dien-mao-bung-binh-ben-thanh-sau-hon-100-nam-20230418032101518.htm?

Theo Báo Dân trí