“Điểm danh” doanh nghiệp lỗ nặng vì tỷ giá

TPO - Sau động thái điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng của NHNN thêm 1% và nới biên độ lên +/-3%, đến nay VND đã mất giá khoảng 3-4% so với các đồng tiền lớn như USD, EUR, JPY... khiến các doanh nghiệp có khoản vay nợ ngoại tệ ảnh hưởng nặng nề.
Ảnh minh họa. Internet.

Tại Bản phân tích ngành vừa phát đi chiều 31/8, công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã “mổ xẻ” một số doanh nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp. Theo đó, đối với Doanh nghiệp ngành điện, BVSC ghi nhận công ty cổ phần nhiệt điện Phả Lại (Mã CK: PPC) lỗ nặng tới 213 tỷ đồng lỗ tỷ giá. Cụ thể :Nếu tỷ giá JPY/VND ngày 27/8/2015 giữ nguyên đến cuối Q3/2015, BVSC ước tính PPC sẽ phải ghi nhận 213,8 tỷ VND lỗ tỷ giá, trong đó 205,6 tỷ VND do đánh giá lại khoản vay có gốc ngoại tệ và 8,2 tỷ do lỗ tỷ giá thực hiện.

Cùng đó, doanh nghiệp công ty cổ phần Điện Lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã CK: NT2) với  tỷ giá EUR giảm mạnh trong vòng 2 năm trở lại đây đã giúp NT2 hưởng lợi khá nhiều khi ghi nhận khoản lãi lớn từ chênh lệch tỷ giá. Trong Q3/2014, NT2 đã ghi nhận 300,9 tỷ VND lãi chênh lệch tỷ giá do EUR giảm mạnh 8% từ mức 28.968,41 vào 30/6/2014 xuống còn 26.681,03 vào 30/9/2014. Tuy nhiên, ngược lại trong Q3/2015, BVSC ước tính NT2 sẽ phải ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá khá lớn. Giả định tỷ giá EUR và USD ngày 27/8/2015 giữ nguyên đến cuối Q3/2015, NT2 có thể sẽ phải ghi nhận khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá lên đến 224 tỷ VND, bằng khoảng 2/3 khoản lãi tỷ giá đã ghi nhận trong Q3/2014.

Đối với Doanh nghiệp ngành phân bón cụ thể ở đây là Công ty cổ phần phân bón Dầu khí Cà Mau (Mã CK: DCM), trong các doanh nghiệp phân bón niêm yết, DCM là doanh nghiệp có nợ vay bằng ngoại tệ lớn nhất. Trong nửa đầu năm 2015, DCM đã ghi nhận 171 tỷ VND chi phí lỗ tỷ giá do VND mất giá so với USD. Trong Q3/2015, việc phá giá VND sẽ khiến DCM tiếp tục ghi nhận lỗ tỷ giá. Giả định tỷ giá ngày 27/8/2015 được giữ nguyên đến cuối Q3/2015, chúng tôi ước tính DCM sẽ ghi nhận lỗ tỷ giá 217 tỷ VND trong Q3/2015, trong đó 213 tỷ VND do lỗ tỷ giá khi đánh giá lại nợ vay ngoại tệ và 4,4 tỷ VND lỗ tỷ giá thực hiện.

Trên sàn chứng khoán hiện có 3 doanh nghiệp xi măng đang có các khoản vay ngoại tệ lớn, (chủ yếu là đồng EUR) bao gồm HT1 (Xi măng Hà Tiên 1), BCC (Xi măng Bỉm Sơn) và BTS (Xi măng Bút Sơn). Với diễn biến tỷ giá hiện tại, các doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ phải ghi nhận lỗ tỷ giá trong quý 3/2015. Tuy nhiên nếu xét cả năm, các doanh nghiệp sẽ vẫn có lãi từ chênh lệch tỷ giá  do đồng EUR ở thời điểm đầu năm vẫn ở mức cao.

Cũng theo BVSC, các doanh nghiệp vận tải biển hầu hết vay nợ bằng USD để tài trợ cho đầu tư đội tàu. Kể từ đầu năm 2015, VND đã mất giá khoảng 5% so với USD. Trong bối cảnh ngành vận tải biển đang hết sức khó khăn phải chịu thêm cú hích tỷ giá khiến cho bức tranh chung của ngành chưa được tươi sáng.