Dị nhân xứ Nghệ 40 năm không ăn, không ngủ, không tắm

Câu chuyện người đàn ông 40 năm không ngủ, người phụ nữ 30 năm không ăn cơm vẫn sống khỏe mạnh hay “ma rừng” 38 năm không tắm tưởng như chỉ là đồn thổi nhưng lại có thật ở Việt Nam.

> ‘Dị nhân’ bán vé số ở Sài Gòn
> Những cái chết ‘không giống ai’ trong sử Việt

Thành "ma rừng" vì 38 năm không tắm

Người mà dân bản vùng núi Tây Bắc xứ Nghệ đồn thổi “ma rừng” là ông Lô Văn Yên (SN 1962), đang ở chung với vợ chồng của em út là Lô Văn Khôn, tại bản Piềng Đồn, xã Tam Đình, huyện Tương Dương (Nghệ An).

Cái tên gọi “ma rừng” quỷ quái ấy bắt đầu xuất hiện từ khi Lô Văn Yên lên 13 tuổi. Anh Ngân Văn Bảo, một người bạn nối khố thủa thiếu thời của ông Yên cho biết, những câu chuyện ma quỷ là do dân bản không biết nên đồn thổi.

Hồi nhỏ, ông Yên nghịch ngợm, thông minh nữa nhưng không hiểu sao lại cứ thích để tóc dài. Sau khi bị cắt bỏ mái tóc yêu thích đó hắn đã khóc rồi trùm chăn lên đầu không cho ai thấy khoảng 2-3 tháng, mỗi khi lấy tay xoa lên đầu là hắn lại khóc ré lên.

Một thời gian sau, khi hắn bỏ chăn và đi ra ngoài, vì cái đầu trọc lốc nên đi đâu hắn cũng bị dân bản cười nhạo nên hắn ít đi ra ngoài mà cứ nằm lỳ trên giường rồi bị tật luôn.

Tuy nhiên, sự thật là, suốt 38 năm nay ông Yên không rời khỏi chiếc giường của mình, tất cả các công việc như đan lát, làm lưỡi câu, sửa chữa đồ điện dân dụng, quấn cuộn dây bị cháy, đài cassete bị hỏng … ông đều làm trên chiếc giường.

"Đặc biệt hơn là cũng từng ấy thời gian chưa một ai, kể cả người thân thấy hắn tắm rửa hay đi đại, tiểu tiện. Lúc đầu gia đình thấy lạ, rồi nghi hoặc và tìm cách theo dõi nhưng suốt mấy ngày liền, Yên vẫn nằm bất định, không rời nửa bước”?

Gia đình ông Yên nhiều lần cũng cố gắng vay mượn tiền của rồi động viên Yên đi khám nhưng “dị nhân” nhất quyết không chịu rời khỏi chiếc giường của mình. Chính quyền xã Tam Đình cũng biết về trường hợp của Yên rồi xuống động viên, đề nghị cấp cho chiếc xe lăn để tiện cho việc sinh hoạt nhưng ông nhất quyết không chịu lấy?

Người đàn ông 40 năm không ngủ

Ông Hai Ngọc chỉ thèm một phút chợp mắt suốt 40 năm qua.
 

Năm 2006, khi báo Thanh Niên đăng bài Người đàn ông 33 năm không ngủ, lúc đó ông Hai Ngọc (thôn Trung Hạ, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) ở tuổi 64 và đã trải qua 11.700 ngày đêm không ngủ. Đến tháng 4/2011, ông Ngọc lại xuất hiện trên Thanh niên với bài viết “Người đàn ông không ngủ…tiếp tục thức”.

Theo lời ông Hai Ngọc, vào năm 1973, sau một lần sốt mê man, tự dưng ông không tài nào chợp mắt được. Vợ chồng ông lúc đầu lo lắng, đã áp dụng bao nhiêu biện pháp để tìm lại giấc ngủ, từ khám bệnh, rồi uống thuốc nam cho đến thuốc bổ, kể cả thuốc ngủ, ai mách gì làm nấy nhưng đêm đến ông vẫn không thể ngủ, dù chỉ vài phút ngắn ngủi.

Tuy bị mất ngủ, ông vẫn tỉnh táo, không thấy mệt mỏi căng thẳng gì mà cứ “khỏe phây phây”. Vào lúc gặp phóng viên năm 2006, ở tuổi 64 nhưng ngày nào ông cũng gánh 2 bao phân nặng hơn 50 kg trên đoạn đường 4 km để về nhà.

Bà Hai, vợ ông Ngọc tâm sự: "Lúc trước ổng cũng ăn ngủ bình thường như mọi người, tự dưng lại bị như vậy. Dù uống rượu say thì cũng chỉ nằm thôi chứ không ngủ. Ai làm gì ổng biết hết. Tui lo, sợ có chuyện gì chẳng lành nên vợ chồng khăn gói ra tận Đà Nẵng khám bệnh. Bác sĩ bảo không có bệnh gì, chỉ có gan hơi yếu".

Ông Ngọc có cuộc sống khá biệt lập dưới chân núi với trang trại rộng gần 5 hecta, còn 6 người con thì vẫn ở căn nhà cũ của gia đình ở trong thôn. Từ sáng đến tối, ông làm không ngớt việc: hết lụi cụi cho heo, gà ăn rồi lại hì hục cuốc cỏ, chăn trâu... trừ việc đặt lưng chợp mắt dù chỉ một giây là ông không thể.

Năm 2010, báo Dân trí trích từ Xinhua cho biết ông Thái Ngọc là người VN duy nhất trong số 10 dị nhân có khả năng đặc biệt trên thế giới được các tạp chí nước ngoài bình chọn năm 2010.

Đến cuối năm 2012, thêm một trường hợp đặc biệt 25 không ngủ được dư luận quan tâm. Đó là bà Trần Thị Cảnh, 47 tuổi, ở QL 1A, thị trấn Phú Long (Bình Thuận).

Theo như lời bà Cảnh kể lại thì vào năm 25 tuổi, khi vừa sinh đứa con đầu lòng xong thì tự dưng bà mất ngủ. Lúc đầu thì chập chờn, giấc lành giấc mộng, càng về sau thì bặt luôn không còn chợp mắt được nữa. Gia đình bà lo lắng, chạy chữa khắp các bệnh viện có tiếng rồi lại các thầy lang bốc thuốc nhưng tất cả đều vô hiệu hóa. Đến nỗi, bà Cảnh đã sử dụng đến thuốc an thần, thuốc ngủ cũng đều bất lực trước hai con mắt của bà.

Bà Cảnh cũng là một trường hợp đặc biệt với 25 năm không ngủ.

Gia đình sống bằng nghề nông và bán lẩu bò những khi mùa vụ rảnh rang nên công việc hàng ngày của bà Cảnh nhiều không kể xiết. Bà làm quần quật suốt ngày, người mệt lử. Vậy mà khi đêm về, người ta có thể ngả lưng xuống giường là ngon giấc ngay còn bà nằm hoài vẫn không tài nào ngủ được.

Không ngủ được, bà Cảnh lục đục dậy làm việc, lau chùi, quét dọn mặc dù những việc ấy không cần thiết nữa. Rồi bà ra ngắm sao trời, lắng nghe côn trùng rỉ rả trong đêm. Tuy vậy, bà Cảnh không hề suy giảm sức khỏe, chỉ thấy nằng nặng hai con mắt, có đôi lần bị đau mắt đỏ vì đôi mắt phải mở ra nhiều thời gian quá.

Nhiều năm qua, gia đình đã đưa bà đi khắp các bệnh viện, thầy lang để tìm hiểu phương thức chữa trị nhưng không nơi nào chẩn đoán ra được nguồn cơn căn bệnh của bà.

Nhiều lúc nhìn thấy con mình ngủ, bà Cảnh chạnh lòng, bà bảo giá như bây giờ được mua một giấc ngủ bằng vàng bà cũng chịu.

Người phụ nữ 30 năm không ăn cơm

Bà Nguyễn Thị Tư (Tư Trầu), 64 tuổi, hiện sống một mình trong căn nhà nhỏ ở vùng quê nghèo thuộc xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, đã hơn 30 năm không ăn cơm nhưng vẫn sống khỏe mạnh, lao động bình thường. “Thực đơn” hàng ngày của bà chỉ là khoảng chục miếng trầu và 4 - 5 ly cà phê đá không đường.

Bà Tư cho biết, trước đây bà cũng ăn cơm bình thường như bao người khác, nhưng do vóc dáng nhỏ nên bà cũng ăn rất ít. Hồi con gái, mỗi ngày bà Tư chỉ ăn duy nhất một chén cơm. Đến lúc lấy chồng, bà cũng không thể ăn thêm, mà còn ăn ít hơn. Dần dần, bà chán cơm và không còn hứng thú với việc ăn uống.

Bà Tư chỉ ăn trầu và uống cà phê suốt 30 năm qua nhưng vẫn đủ sức khỏe đi làm thuê.

Lúc đầu, hàng xóm nghĩ bà đang bị bệnh trầm cảm nên không chịu ăn uống gì. Người khác thì lại lo chắc là bà sắp “gần đất xa trời”. Thời gian sau, mọi người trong xóm vẫn thấy bà Tư Trầu đi làm thuê, làm mướn khắp đầu làng cuối ngõ. Bà vẫn khỏe mạnh bình thường, chẳng bao giờ bà phải đi viện.

Báo Dân Trí ngày 13/4/2008 cũng đăng bài “Người 15 năm không ăn” nói về trường hợp của ông Nguyễn Tấn Lộc, sinh năm 1944, ngụ tại số nhà 181/10, khu vực Bình Phước, phường Phước Thới, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, không hề ăn cơm nhưng vẫn khỏe mạnh bình thường.

Ông Lộc cũng không có hạt cơm nào trong bụng suốt gần 20 năm qua.

Từ lúc sinh ra đến năm 1967, bắt đầu đi lính, ông Lộc vẫn ăn uống bình thường như bao người khác. Từ năm 1967 đến năm 1973, ông ăn cơm chay, sau đó ông ăn cơm ít dần rồi dần bỏ hẳn cơm, ăn một số loại ngũ cốc nhưng cuối cùng ông bỏ hẳn không ăn bất cứ thứ gì.

Để duy trì sự sống, ông chuyển qua uống cà phê đá, rồi uống trà đá. Mặc dù mỗi ngày không ăn gì nhưng ông vẫn làm 10 công ruộng.

Lo lắng trước hiện tượng lạ, vợ con đưa ông chạy chữa nhiều nơi, nhiều bệnh viện, tốn hết mấy chục cây vàng nhưng không bác sĩ nào tìm ra được căn bệnh, chỉ kết luận chung chung là rối loạn tiêu hóa.

Ở tuổi 65, ông vẫn sống và làm việc bình thường mặc dù không ăn. Đặc biệt khoảng 8 năm nay, mỗi ngày ông chỉ uống một ly trà đá. Những ngày mệt, ông có biểu hiện sức khỏe suy kiệt thì con cháu lại nhờ bác sĩ truyền nước biển cho ông.

Theo bài báo trên Công an nhân dân ngày 3/3/ 2011, đến thời điểm đó, ông Lộc vẫn sống bằng vài ngụm nước chè, cà phê mỗi ngày mà vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn.

Theo kienthuc.net.vn

Theo Đăng lại