> Vân Phong 1, tàu chở dầu lớn nhất Việt Nam
Đầu năm 2009, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định di dời toàn bộ xã Ninh Phước, để nhường đất cho Nhà máy Tàu biển Hyundai-Vinashin, Kho Xăng dầu Ngoại quan Mỹ Giang, dự án Tổ hợp Lọc dầu Nam Vân Phong và dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong.
Theo bà Đỗ Thị Dù, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ninh Phước, phần đông người dân Ninh Phước muốn được di dời về khu dân cư (KDC) Ninh Thủy ở phường Ninh Thủy.
KDC Ninh Thủy được UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Cty TNHH Hoàn Cầu làm chủ đầu tư từ năm 2003, nhưng đến nay chưa được triển khai xây dựng.
Nếu tái định cư (TĐC) xã Ninh Phước tại KDC Ninh Thủy, các hộ làm nghề biển sẽ ở gần nơi khai thác thủy sản, các hộ làm nghề nông cũng có đất canh tác.
Nhưng, tháng 3-2009, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định sẽ đưa các hộ làm nghề biển ở Ninh Phước đến khu TĐC Xóm Quán, các hộ khác về khu TĐC Ninh Thủy, đều ở xã Ninh Thọ.
Theo anh Huỳnh Văn Lai ở thôn Mỹ Giang, tàu thuyền ở Xóm Quán phải đi vòng qua Mũi Du, Ninh Hải, Ninh Thủy mới tới được nơi khai thác, đánh bắt thủy sản.
“Mỗi chuyến từ Xóm Quán xuống đây đánh bắt tốn thêm vài giờ chạy tàu, mấy chục lít dầu” - anh Lai nói.
Những hộ làm nghề nông lại lo, không biết làm gì để sống sau khi bị giải tỏa trắng, không còn đất sản xuất. Thay cho đất tái định canh, họ chỉ được hỗ trợ 2 triệu đồng/người để chuyển đổi nghề nghiệp.
“Hai triệu đồng, không đủ tiền xăng đi học nghề”. Ông Bùi Đức Văn ở thôn Mỹ Giang nói. Ông cho con trai đi học nghề hớt tóc, mới nhập học đã phải đóng học phí 15 triệu đồng.
Xã Ninh Phước có hơn 500 ha đất nông nghiệp, riêng 85 ha trồng tỏi cho thu lãi khoảng 200 triệu đồng/ha/năm, nhưng phương án di dời xã không nhắc đến việc tái định canh.
Trước bức xúc của người dân, tháng 5-2011 UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo nghiên cứu giải quyết đất tái định canh cho xã Ninh Phước.
Có đề xuất chọn khu vực ven suối Đá Hàn (phường Ninh Đa) làm khu tái định canh. Nhưng diện tích đất có thể canh tác ở đây chỉ khoảng 13 ha, quá ít ỏi so với nhu cầu của cả một xã.
Hơn nữa, khu đó gồm nhiều mảnh ruộng nhỏ rời rạc, ngập nước mùa mưa, không có lối vào thuận tiện, cách xa khu TĐC của dân Ninh Phước.
Tháng 1-2012, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở NN&PTNT tỉnh tìm đất, lập dự án tái định canh cho xã Ninh Phước. Cuối tháng 2-2012, ông Đào Công Thiên, GĐ Sở NN&PTNT Khánh Hòa khẳng định với phóng viên, đã có đất tái định canh, diện tích khoảng 100 ha, đối diện khu TĐC Ninh Thủy qua quốc lộ 26B.
Tuy nhiên, sau khi đi khảo sát thực địa, ông Thiên nói, khu đất trên nằm trong quy hoạch KDC Ninh Long, do Cty Hoàn Cầu làm chủ đầu tư. Dự án KDC Ninh Long bị treo từ năm 2003.
Theo ông Thiên, trước mắt vẫn chỉ có khu đất ở ven suối Đá Hàn có thể làm đất tái định canh.
Theo kế hoạch, trong quý II-2012 việc di dời xã Ninh Phước sẽ bắt đầu. “Đến khu TĐC Ninh Thủy, không có đất sản xuất, chắc chúng tôi chỉ biết ngồi khoanh tay hay đánh bài thôi”. Anh Võ Ái Nhân, chủ cơ ngơi 1,1 ha tỏi ở thôn Ninh Yển nói.
Dự án KDC Ninh Thủy bị treo bao nhiêu năm nay, sao không thu hồi đất bị bỏ hoang ở đó để làm khu TĐC tập trung cho xã Ninh Phước? Tại sao đụng đến doanh nghiệp thì ngại, còn quyền lợi của dân thì cứ quyết, bắt dân phải theo? - Bà Đỗ Thị Dù, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ninh Phước