Ông Lê Văn Đạo - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết, tình trạng thiếu lao động đang rất phổ biến ở nhiều doanh nghiệp dệt may tại TPHCM.
Theo ông Nguyễn Văn Đô - Tổng Giám đốc Cty DHA, DHA là Cty chuyên may gia công quần áo cho trẻ em và người lớn theo đơn hàng từ các nhà bán lẻ Hoa Kỳ. Hiện, Cty có đơn hàng đến hết quý ba năm 2009. Nhưng do khó khăn về nhân công, Cty thường xuyên đối mặt với nguy cơ chậm đơn hàng.
Mức lương trung bình của công nhân chỉ 1,5 triệu đồng/tháng, trong khi giá cả hàng hóa gia tăng, công nhân chưa thực sự chú tâm vào công việc. Mười phần trăm lao động của Cty đã chuyển sang làm những việc khác.
Một giám đốc Cty may tư nhân tại TP Hồ Chí Minh cho biết, Cty đang thiếu tới 20 phần trăm lao động. Thiếu hụt lao động không chỉ xảy ra tại các Cty tư nhân mà cả ở Cty nhà nước. Ông Vũ Đức Giang - Tổng Giám đốc Cty may Phương Đông (thuộc Vinatex), cho hay, trước đây, việc ra đi và tuyển vào rất dễ nhưng, hiện nay, đầu vào rất khó khăn.
Thu nhập của lao động quá thấp
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, sở dĩ các doanh nghiệp dệt may lâm vào tình trạng thiếu hụt lao động vì trong thời gian vừa qua tốc độ phát triển ngành dệt may quá nhanh.
Nhiều doanh nghiệp dệt may ra đời dẫn đến nhu cầu sử dụng lao động ngày càng cao, trong khi số lao động đào tạo từ các địa phương không đáp ứng kịp nhu cầu doanh nghiệp.
Mặt khác, theo nhiều chuyên gia, với mức thu nhập bình quân trên dưới một triệu đồng/tháng, lao động sẽ thích chuyển về làm ở địa phương hơn là làm ở các doanh nghiệp tập trung tại các thành phố có mức chi tiêu cao hơn ở địa phương.
Ông Lê Quốc Ân - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất, để giải quyết vấn đề thiếu lao động ở các doanh nghiệp dệt may hiện nay, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp như tăng lương, tăng phúc lợi cho lao động, chính quyền tại địa phương có doanh nghiệp đang hoạt động cần quan tâm tới vấn đề nhà ở cho công nhân.
Ông Diệp Thành Kiệt - Tổng Thư ký Hội May - Thêu - Đan TPHCM cho rằng, để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực, các doanh nghiệp dệt may cần đổi mới công nghệ nhằm giảm thiểu lao động.
Theo ông Ân, về lâu dài, cần quy hoạch và di dời ngành sản xuất may về một số vùng phù hợp, không nên để các nhà máy dệt và may gia công tập trung phát triển mạnh ở các đô thị như hiện nay.