Dệt may chiếm 26% kim ngạch xuất khẩu
Đối với Đà Nẵng, dệt may là một trong những ngành sản xuất, xuất khẩu đóng góp tương đối lớn, chiếm khoảng 26% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của địa phương và tăng trưởng đều qua các năm. Hiện, trên địa bàn có 30 doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, với 10 doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu có giá trị lớn và tương đối ổn định.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2023 của Đà Nẵng ước đạt 484 triệu USD (giảm 10,3% so với năm 2022). 10 tháng đầu năm 2024, con số này ước đạt 426 triệu USD (chiếm 26,7% kim ngạch xuất khẩu, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2023). Về thị trường, doanh nghiệp dệt may Đà Nẵng đã xuất khẩu sang 40 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc là các đối tác lớn) và nhập khẩu từ 40 thị trường trên thế giới (chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc).
Theo bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng, thời gian qua, với sự hỗ trợ của chính quyền và chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp dệt may trên địa bàn đã nỗ lực vượt khó, duy trì hoạt động sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới. Sở Công Thương tích cực tham mưu, đề xuất và triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp như: triển khai đề án, chương trình phân phối, xuất nhập khẩu hàng hóa; tạo cơ hội cho doanh nghiệp địa phương kết nối thông qua hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế, các chương trình kết nối giao thương; thường xuyên nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để đề xuất giải pháp tháo gỡ…
Bà Trâm nhìn nhận, ngành dệt may trên địa bàn có một số đặc thù khi số lượng doanh nghiệp có giá trị xuất nhập khẩu lớn không nhiều; phần lớn xuất khẩu theo đơn hàng gia công, được chỉ định nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc hoặc các nước khác không thuộc danh sách được hưởng ưu đãi từ các FTA thế hệ mới; chưa đáp ứng tiêu chí xuất xứ hàng hóa trong các hiệp định nên chưa tận dụng được lợi thế từ CPTPP, EVFTA, UKVFTA.
“Năm 2023, chúng tôi phối hợp với Bộ Công Thương để làm việc với doanh nghiệp về tận dụng các FTA thế hệ mới, lắng nghe khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp dệt may. Từ đó, định hướng hình thành và phát triển hệ sinh thái tận dụng các FTA trong lĩnh vực này, nhằm liên kết để thúc đẩy ngành dệt may nói chung và dệt may Đà Nẵng nói riêng”, bà Trâm cho biết.
Ông Huỳnh Ngọc Anh Khoa, đại diện Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, cho biết, nguyên liệu đầu vào là vướng mắc lớn của doanh nghiệp. Nếu có được sự hỗ trợ để giải quyết được vấn đề này thông qua hệ sinh thái ngành dệt may, doanh nghiệp sẵn sàng tham gia và góp phần tăng cường hợp tác, kết nối để cùng vượt qua khó khăn, tận dụng hiệu quả ưu đãi từ các FTA để phát triển sản xuất.
Kết nối để giải bài toán nguyên liệu
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), thông tin, 5 vấn đề chính ngành dệt may Việt Nam đang gặp phải là nguồn cung nguyên phụ liệu còn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu; đơn hàng và thị trường chưa ổn định, chủ yếu là hàng gia công; thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng; thiếu thông tin, chính sách của thị trường nhập khẩu; chưa xây dựng được thương hiệu.
“Với việc hình thành hệ sinh thái dệt may tận dụng các FTA, các cơ quan quản lý T.Ư và địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp dệt may và doanh nghiệp phụ trợ sẽ được kết nối để tối ưu hóa lợi ích từ các FTA. Quan trọng nhất đối với doanh nghiệp dệt may là kết nối được với các đơn vị cung cấp nguyên phụ liệu, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu”, ông Khanh nói.
Nhiều doanh nghiệp dệt may ở Đà Nẵng nhìn nhận khó khăn lớn nhất trong sản xuất là nguyên liệu đầu vào còn phụ thuộc vào việc nhập khẩu. Theo bà Phạm Xuân Thủy, Phó Giám đốc Công ty May Tiến Thắng, hiện giá các mặt hàng vải của Việt Nam rất cao nhưng chất lượng không đáp ứng được yêu cầu của đối tác nước ngoài. Do đó, doanh nghiệp phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu bởi cạnh tranh về giá, đảm bảo chất lượng. “Nếu đã liên kết các doanh nghiệp ngành dệt may để tận dụng các FTA, doanh nghiệp mong muốn có thể mời gọi, huy động thêm các nhà cung cấp nguyên phụ liệu tham gia chuỗi. Nhà nước cần có các chính sách để giảm giá nguyên liệu, đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm”, bà Thủy nói.