Đến lúc phân cấp mạnh cho địa phương, tránh áp đặt

TP - “Tới đây chúng ta sẽ quy định khung tổ chức thực hiện nhiệm vụ thế nào để không bỏ sót, không chồng lấn, chồng chéo. Trên cơ sở đó sẽ quy định một số cơ quan mang tính thống nhất, tạm gọi là phần cứng, phần còn lại sẽ do chính quyền địa phương xem xét, quyết định nên hợp nhất, nên giải thể, hay có thành lập hay không. Điều này sẽ phát huy được tính chủ động của các địa phương, căn cứ vào tình hình thực tế để thực hiện”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trò chuyện với PV Tiền Phong khi Nghị quyết Trung ương 6 vừa được ban hành. 
Trung ương vừa ra nghị quyết về tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả (Trong ảnh: Người dân làm thủ tục tại bộ phận một cửa tại UBND quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Như Ý.

Cần quyết tâm chính trị của người đứng đầu

Trung ương vừa ra nghị quyết về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Như vậy là cánh cửa đã được mở rộng, vấn đề còn lại là các bộ ngành, địa phương sẽ thực hiện, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Như chúng ta biết, Hội nghị Trung ương 6 vừa qua bàn về hai vấn đề quan trọng, trong đó có nghiên cứu điều chỉnh bổ sung vấn đề thể chế. Trên cơ sở đó, những quy định không còn phù hợp phải chỉnh sửa lại để nâng cao giá trị pháp lý và xem đây là quy định nền tảng về cơ sở pháp lý. Cần có chế tài xử lý và lần này chúng ta đã có.

Bên cạnh đó, chúng ta phải có quyết tâm chính trị rất cao trong các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu. Thể chế phải tương đối hoàn thiện, gắn với quyết tâm chính trị rất cao, cùng với trách nhiệm của người đứng đầu thì mới hoàn thiện được nội dung của Nghị quyết lần này.

Lộ trình trong nghị quyết đã quy định khá rõ. Với lộ trình này, trong giai đoạn sắp tới chúng ta nên tạo sự phân cấp mạnh mẽ giữa Trung ương và địa phương để địa phương phát huy được những sáng kiến, sáng tạo phù hợp trong điều kiện phát triển kinh tế, xã hội. Không nên áp đặt một khung chung cho tất cả địa phương. Đây chính là trở ngại trong thời gian qua khi chúng ta đưa ra một quy định chung cho tất cả các địa phương dù đặc thù mỗi  nơi khác nhau. 

Khi các đoàn giám sát của Quốc hội về địa phương, lãnh đạo nhiều tỉnh thành cũng cho rằng, cần dựa vào tính đặc thù của từng địa phương chứ không nên quy định chung cho tất cả, nhất là về số lượng cấp phó ở một số ngành. Chẳng hạn ở tỉnh này có thế mạnh về nông nghiệp, cần nhiều cấp phó hơn ở sở nông nghiệp ngược lại nếu không có thế mạnh về du lịch thì có thể ít cấp phó hơn để “nhường” cho ngành khác. Phải chăng, tính tự chủ ở đây là địa phương có quyền quyết về số lượng cấp phó của mỗi ngành theo đặc thù của địa phương, miễn là tổng số lượng cấp phó trong toàn tỉnh không vượt quá chỉ tiêu được giao?

Lần này cơ chế sẽ mở hơn. Tôi ví dụ cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, tới đây chúng ta sẽ quy định khung tổ chức để thực hiện nhiệm vụ thế nào để không bỏ sót, không chồng lấn, chồng chéo. Trên cơ sở đó sẽ quy định một số cơ quan mang tính thống nhất, tạm gọi là phần cứng. Phần còn lại sẽ do chính quyền địa phương xem xét, quyết định nên hợp nhất, nên giải thể, có thành lập hay không thành lập. Điều này sẽ phát huy được tính chủ động của các địa phương, căn cứ vào tình hình thực tế để  thực hiện.

Với số lượng cấp phó cũng thế, chúng ta cũng quy định khung bình quân chung, còn ở địa phương sẽ bố trí mỗi cơ quan chuyên môn cần số cấp phó là bao nhiêu, miễn là tổng số cấp phó không vượt quá quy định. 

Một trong những nội dung được quan tâm là việc hợp nhất văn phòng Hội đồng nhân dân, văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và văn phòng ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành một văn phòng tham mưu giúp việc chung. Việc hợp nhất này có đảm bảo sự kiểm soát quyền lực, vì hội đồng nhân dân có vai trò giám sát ủy ban nhân dân?

Ở đây chúng ta hợp nhất về vấn đề đầu mối. Những chức năng phục vụ, dù đó là của văn phòng hội đồng nhân dân hay văn phòng ủy ban nhân dân thì cũng như nhau. Còn các cơ quan chuyên môn của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân thì chúng ta có các cơ quan phục vụ cho việc thẩm tra, khác với cơ quan phục vụ cho công tác tham mưu. Với văn phòng phục vụ chung, chúng ta có thể gom lại như thủ quỹ, lái xe, văn thư... Còn cơ quan chuyên môn, nếu là cơ quan tham mưu hoặc thẩm tra thì đây là những cơ quan, đơn vị độc lập phục vụ cho từng tổ chức.

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Hà Giang. Ảnh: Trường Huy.
Một việc chỉ giao cho một người

Ông có thể cho biết, đề án vị trí việc làm tới đây sẽ được thực hiện ra sao để giảm đầu mối và tinh giản biên chế?

Lần này chúng ta đi sâu hơn một bước về đề án vị trí việc làm. Trong thực hiện đề án này có hai vấn đề quan trọng. Thứ nhất là xác định tiêu chí đánh giá khung năng lực, đây là vấn đề khó. Thứ hai là mô tả được công việc theo từng vị trí. Hai vấn đề này nếu chúng ta làm tốt sẽ thực hiện có hiệu quả đề án vị trí việc làm. Trong thời gian qua, chúng ta vướng hai vấn đề khó này nên các địa phương và cơ quan chưa thực hiện tốt được.

Một vấn đề nữa là giờ muốn tinh giản bộ máy, biên chế nên đổi mới phương pháp, chế độ làm việc. Hiện nay, chúng ta nói đang thực hiện chế độ làm việc chuyên viên, kết hợp chuyên viên với thủ trưởng. Thế nhưng phần lớn chúng ta vẫn thực hiện chế độ làm việc theo thủ trưởng, tức là một việc phân công nhiều người. Nếu thực hiện tốt theo chế độ làm việc chuyên viên thì có thể làm được nhiều việc, một việc chỉ giao cho một người.

Nói về trách nhiệm người đứng đầu khi thực hiện tinh giản biên chế, nhiều người cho rằng, động đến con người thường rất tâm tư, không dễ để loại bỏ họ ra khỏi bộ máy. Theo ông, người đứng đầu phải làm sao để vượt qua được những rào cản tâm lý đó?

Điều quan trọng là đánh giá về công chức. Đây là bước rất quan trọng, cần thay đổi phương pháp đánh giá trong thời gian qua. Đánh giá công chức là để chúng ta biết được những người nào làm việc tốt, hiệu quả công việc cao, trên cơ sở đánh giá đó không phải chỉ để đến cuối năm mới làm mà phải kiểm tra công việc được thường xuyên, hằng tháng, thậm chí là hằng ngày. 
Người đứng đầu trong các tổ chức phải nắm được công việc giao cho cán bộ công chức, xem họ làm trong một tháng, một năm bao nhiêu việc, chất lượng thế nào, đó là cơ sở để đánh giá cán bộ cho tốt, nhất là đánh giá phân loại cuối năm, cũng là cơ sở chúng ta thực hiện chính sách cán bộ cũng như thực hiện chế độ tinh giản biên chế.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.
Chủ trương tinh giản biên chế đã được thực hiện từ khá lâu, nhưng trên thực tế tại nhiều nơi không những không giảm, mà còn phình ra, ông nghĩ sao về thực tế này? 

Vấn đề biên chế phải dựa trên 3 trụ cột chính đó là: Giảm đầu mối; sắp xếp lại cơ cấu bên trong của đầu mối đó (vấn đề này rất quan trọng); và sắp xếp chức năng nhiệm vụ không giao thoa, không trùng lặp. Trên cơ sở đó chúng ta sẽ giảm được biên chế nói chung, trong đó từng vị trí việc làm sẽ được xác định. 

Thực hiện theo đề án để nâng cao hiệu lực hiệu quả, cũng như sắp tới đây sẽ tính đến cơ chế tiền lương. Vấn đề này sẽ được bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 7, trên cơ sở giải quyết được hai nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 là sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và đổi mới cơ chế tài chính, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập.

Cảm ơn ông.

“Trong giai đoạn sắp tới chúng ta nên tạo sự phân cấp mạnh mẽ giữa Trung ương và địa phương để địa phương phát huy được những sáng kiến, sáng tạo phù hợp trong điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, không nên áp đặt một khung chung cho tất cả địa phương. Đây chính là trở ngại trong thời gian qua khi chúng ta đưa ra một quy định chung cho tất cả các địa phương dù đặc thù mỗi nơi khác nhau”. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân