Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định về Quy chuẩn cơ sở vật chất kỹ thuật và vị trí cơ sở đăng kiểm xe cơ giới, khí thải xe mô tô, xe gắn máy và cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô.
Một trong nội dung đáng chú ý lần đầu được bộ này đưa vào trong dự thảo là mục quy định về "Điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy của cơ sở kiểm định khí thải".
Theo đó, dự thảo đề xuất mô tô, xe gắn máy (gọi tắt xe máy) phải được cấp tem chứng nhận đạt tiêu chuẩn khí thải mới được tham gia giao thông. Cơ sở kiểm định khí thải xe máy sẽ là nơi thực hiện việc kiểm định và cấp tem. Tuy vậy, các cơ sở này phải đáp ứng các điều kiện của nghị định mới được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động.
Cụ thể, các cơ sở kiểm định khí thải xe máy phải có diện tích tối thiểu 35 m2 và mỗi vị trí kiểm định phải có diện tích tối thiểu 6 m2, có khu vực kiểm định, khu vực để xe, khu vực văn phòng (không bắt buộc đối với cơ sở kiểm định lưu động). Thiết bị kiểm định khí thải phải phù hợp quy định. Nhân lực của cơ sở kiểm định khí thải phải có tối thiểu một đăng kiểm viên kiểm định được cấp chứng chỉ.
Các đơn vị kiểm định được thu giá dịch vụ liên quan đến hoạt động kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy, các khoản thu khác nếu phát sinh. Các cơ sở này phải bảo đảm thời gian hoạt động kiểm định bình thường tối thiểu 8 giờ/ngày và 5 ngày/tuần…
Theo Bộ GTVT, quy định mới này nhằm cụ thể hóa Luật Đầu tư (năm 2020) và Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025), trong đó có quy định xe mô tô, xe gắn máy thuộc nhóm xe cơ giới và phải thực hiện kiểm định khí thải.
Về giá dịch vụ kiểm định, Bộ GTVT cho biết, sẽ chủ trì xây dựng, ban hành. Tuy nhiên việc kiểm định khí thải xe máy phải có lộ trình, đồng thời các bộ, ngành cần góp ý, tham mưu cho Chính phủ về thời điểm kiểm tra khí thải xe máy, tiêu chuẩn áp dụng, cách thức triển khai và đối tượng áp dụng cụ thể...
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện nay xe máy mới nhập khẩu, sản xuất lắp ráp đang được kiểm soát khí thải, chỉ còn những phương tiện cũ đang tham gia giao thông chưa được kiểm soát. Do đó, tới đây các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu theo hướng, xe mới chưa thực hiện kiểm định khí thải ngay mà sau 2-3 năm mới phải kiểm định. Đối với các xe đã qua sử dụng nhiều năm, cơ quan chức năng có thể tính toán nghiên cứu thời gian kiểm định khí thải cho phù hợp.
Về mức phí kiểm tra khí thải, theo tính toán trước đây của Bộ GTVT, người dân có thể chỉ mất 35.000 đồng/lần/năm.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng, việc kiểm soát khí thải với xe máy để giảm ô nhiễm, loại bỏ xe cũ, nát là điều cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần quy định rõ lộ trình áp dụng, và kiểm tra, giám sát, xử phạt ra sao, nếu không quy định đưa ra nhưng sẽ khó thực hiện và phải bỏ, tương tự như quy định thu phí đường bộ với xe máy trước đây.
Ngoài ra, không thể định kỳ 6 tháng người dân lại đem xe đi kiểm định 1 lần vì điều kiện kinh tế của người đi xe máy, và lo ngại về năng lực của các cơ sở kiểm định.
Theo ông Thanh, bên cạnh kiểm soát khí thải, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, chuyển đổi xe mới hơn. Thậm chí, để hạn chế xe cá nhân, cần tính tới việc phải chi ngân sách hỗ trợ người dân tương tự như chính sách các địa phương trợ giá vé phương tiện công cộng để người dân giảm đi xe riêng, hay miễn giảm thuế để giảm giá xe điện.
Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, đến hết năm 2022, tổng số lượng xe máy ở Việt Nam đạt khoảng 72 triệu chiếc. Trong nửa đầu năm 2024, có hơn 1,2 triệu xe máy bán ra trên toàn quốc. Việt Nam cũng là quốc gia có lượng xe máy nhiều thứ 2 ở Đông Nam Á (sau Indonesia) và thuộc top nhiều hàng đầu trên thế giới.