Thiếu hợp tác, đặt hàng
Mới đây, cử tri TPHCM kiến nghị Bộ GD&ĐT, Hội đồng GS Nhà nước khi xét duyệt công nhận giảng viên đại học (ĐH) đạt tiêu chuẩn GS, PGS nên yêu cầu phải có ít nhất một công trình nghiên cứu phục vụ trực tiếp sản xuất và đời sống trong nước; đồng thời dành tỷ lệ điểm xứng đáng cho các công trình nghiên cứu có liên kết với cơ quan, doanh nghiệp trong nước mà kết quả là phục vụ trực tiếp sản xuất và đời sống.
Cử tri kiến nghị nâng cao hiệu quả liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, góp phần là cầu nối quan trọng trong việc đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên, đồng thời là cách thức để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm 2021, kết quả khảo sát tình hình hợp tác giữa cơ sở giáo dục ĐH với doanh nghiệp cho thấy hơn 90% các cơ sở đào tạo có hợp tác với doanh nghiệp. Việc hợp tác với các cơ sở đào tạo chủ yếu tập trung ở việc tiếp nhận sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp, đồng tổ chức các sự kiện cho sinh viên, tham gia góp ý chương trình đào tạo và trao học bổng sinh viên. Các nội dung khác như đặt hàng đào tạo, đặt hàng nghiên cứu, đồng nghiên cứu khoa học hoặc tài trợ trang thiết bị cho cơ sở đào tạo còn hạn chế.
Từ khi Quyết định 37 ra đời, nhiều nhà khoa học đã đặt ra tính ứng dụng trong nghiên cứu khoa học của các ứng viên GS, PGS. Theo các nhà khoa học, tiêu chuẩn GS, PGS thể hiện ở 2 lĩnh vực: giảng dạy và nghiên cứu. Đối với nghiên cứu, các công trình của ứng viên phải đảm bảo đủ điểm tối thiểu, được đơn vị ứng dụng vào thực tế và được xã hội thừa nhận. Nếu công trình được công bố quốc tế, sau đó cất trong ngăn kéo thì cần xem xét.
Tại hội thảo quốc tế về thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học được tổ chức cuối năm 2022, Bộ KH&CN cho biết, khoảng 4% trường ĐH hợp tác nghiên cứu, chưa tới 30% hợp tác giảng dạy với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chưa quan tâm đặt hàng công nghệ, trong khi các nhà khoa học nghiên cứu chưa gắn với thị trường. Theo thống kê, doanh thu mang lại được từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ còn thấp, giá trị hợp đồng mang lại được từ chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm chỉ chiếm khoảng 30% so với tổng ngân sách dành cho khoa học và công nghệ.
Khả thi
Cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học công nghệ hiện có 22.500 thông tin về nguồn cung công nghệ; 365.000 thông tin về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, chỉ 16% doanh nghiệp coi các viện nghiên cứu, ĐH ở Việt Nam là nguồn cung hàng hóa này. Vấn đề tự chủ ĐH và tăng tính ứng dụng của nghiên cứu khoa học đã đặt ra nhiều năm nay. Nhưng trong bối cảnh các cơ sở giáo dục ĐH đang tiến tới tự chủ như hiện nay, việc nghiên cứu khoa học phải đạt được mục tiêu mở rộng nguồn thu trở thành một yêu cầu cấp bách. Như vậy, không chỉ trong xét công nhận chức danh GS, PGS mới đòi hỏi các nhà khoa học có công trình đi vào thực tế mà chính sự phát triển của xã hội cũng như sự tự chủ của các trường ĐH đang đặt ra bài toán này cho các nhà khoa học.
Theo GS. TS Đặng Ứng Vận, nguyên Chủ tịch Hội đồng GS ngành Hóa học ở nước ngoài, tuy GS, PGS là một vị trí việc làm, được các trường tuyển dụng và bổ nhiệm nhưng họ đều có các công trình thu hút được tài trợ. Ở Việt Nam, xét công nhận chức danh GS, PGS từ năm 2018 theo Quyết định 37 của Chính phủ có yêu cầu công bố bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế. Nhưng việc chạy theo bài báo này cuối cùng lại chỉ có lợi cho các nước phát triển nếu có tính ứng dụng thực tiễn. “Vì vậy, tôi cho rằng đề xuất ứng viên GS, PGS phải có một công trình nghiên cứu ứng dụng thực tế là một đề xuất hay, có ý nghĩa và hoàn toàn có tính khả thi”, GS Vận nói.
Tuy nhiên, theo ông, đề xuất này chưa thể thực hiện được ngay, giống như 10 năm trước bắt đầu đề cập đến vấn đề bài báo khoa học công bố trong các tạp chí nổi tiếng thế giới như ISI hay Scopus nhưng phải đến khi Quyết định 37 ra đời, tiêu chí này mới thực sự được áp dụng khi xét công nhận GS, PGS. Do đó, cần có bước chuyển đổi, quá độ. “Nhà nước cần có chủ trương chung là công bố khoa học của tác giả phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của đất nước. Tôi tin rằng rồi các nhà khoa học sẽ làm được”, ông Vận nêu quan điểm. Theo ông, các ngành khoa học công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn nên đi trước vì thực tế đòi hỏi rất nhiều.
Ở một góc nhìn khác, GS. TS Trần Văn Chứ, Trường ĐH Lâm nghiệp, cho rằng, đề xuất này đang khó thực thi vì ngay các đề tài nghiên cứu thuộc nhiệm vụ của Bộ KH&CN tỷ lệ ứng dụng thực tế chưa đạt 50%. Theo ông Chứ, với những ngành khoa học trọng điểm, có thể khả thi, nhưng ngành khoa học cơ bản thì khó hơn.