Đề xuất thiết lập quảng trường tại 2 di tích lịch sử cấp quốc gia ở Đồng Nai

TPO - Di tích lịch sử cấp quốc gia tại TP.Biên Hòa là Thành cổ Biên Hòa và Quảng trường Sông Phố được đề xuất thiết lập hai quảng trường.

Sở Xây dựng Đồng Nai vừa đề xuất thiết lập, tổ chức hai quảng trường tại thành phố Biên Hòa là quảng trường Sông Phố và quảng trường Thành Cổ.

Di tích lịch sử cấp quốc gia Thành cổ Biên Hòa (còn gọi Thành Kèn, tại phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa), là công trình kiến trúc quân sự lớn thứ nhì ở Nam bộ, chỉ sau thành Gia Định và là thành cổ duy nhất ở Nam bộ còn tồn tại đến ngày nay. Trước đây, khu vực Thành cổ Biên Hòa có diện tích 18 ha, nhưng sau đó đã bị thu hẹp nhiều còn khoảng 1 ha, trên đất còn căn nhà 2 tầng xây dựng bằng bê tông. Vào năm 2014, công trình đã được được trùng tu.

Phác họa kiến trúc quảng trường Thành Cổ

Sở Xây dựng đề xuất phương án thiết lập quảng trường đóng trên khu đất thành cổ. Quảng trường này được bao bọc bởi mặt tiền các tòa nhà và được mở ra thông suốt tuyến đường Phan Chu Trinh ra sông Đồng Nai. Không gian quảng trường vừa tạo sức sống cho thành cổ, vừa có thể kết hợp tổ chức các hoạt động cộng đồng.

Quảng trường Sông Phố là địa danh lịch sử của Biên Hòa từ trước những năm 1945. Quảng trường nằm ngay giao lộ hai tuyến đường Cách mạng Tháng Tám và đường 30/4. Quảng trường được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1991 và nằm khá gần Thành cổ Biên Hòa.

Quảng trường Sông Phố hiện nay

Mặc dù có tên là quảng trường Sông Phố nhưng thực tế, đây chỉ là bùng binh nhỏ, không có không gian cho người đi bộ. Không gian bao quanh quảng trường đa phần là trụ sở các cơ quan, đơn vị, trường học, chợ, nhà thờ, chung cư, tập trung khá đông người và thường gây ra tình trạng ùn ứ kẹt xe vào giờ cao điểm. Cảnh quan kiến trúc xung quanh không đồng nhất.

Sở Xây dựng đề xuất phương án thiết lập quảng trường tuyến. Theo đó, không gian khu vực bùng binh Sông Phố, không gian của quảng trường được kéo dài, gần giống như một tuyến phố hay một hành lang để tạo cảm giác trục tuyến chính không ở vị trí xung khắc, hướng về Sông Đồng Nai. Ở đầu và cuối quảng trường có công trình điểm nhấn để chuyển tiếp sang các không gian đô thị khác, đây cũng là khu vực để người dân đi bộ hoặc tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Cũng theo Sở Xây dựng, đây đều là những khu vực có giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, do đó việc thiết lập, tổ chức lại hai quảng trường trên dựa trên nguyên tắc: Không can thiệp, không tác động trực tiếp đến di tích; tập trung cải tạo không gian, cảnh quan nhằm tăng giá trị di tích, tăng môi trường kết nối, giáo dục cộng đồng, tham quan, triển lãm tranh ảnh, lịch sử hình thành vùng đất Biên Hòa; mở không gian quảng trường quy mô nhỏ, không gian để thỏa mãn nhu cầu dịch vụ thương mại và văn hóa, màu sắc hoài cổ. Không gian quảng trường được kết nối với các công trình công cộng xung quanh mới tạo nên được chuỗi các hoạt động phong phú cho quảng trường, sức sống hàng ngày của quảng trường, tránh việc chỉ là không gian dùng cho metting vài lần trong năm.