Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã chính thức được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp vừa kết thúc. Một trong những đề xuất được nhiều đại biểu góp ý hoàn thiện là liên quan tới mở rộng nhóm tham gia BHXH bắt buộc, như: Nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã không hưởng lương, lao động trên nền tảng công nghệ (xe ôm, lái xe công nghệ); cán bộ cấp thôn/tổ dân phố….
Giải trình các góp ý trên, Bộ LĐ-TB&XH (cơ quan chủ trì soạn thảo luật) cho rằng, Nghị quyết 28-NQ/TW năm 2018 của Trung ương đã đặt ra yêu cầu, rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt; hướng tới chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết.
Thông lệ quốc tế cũng cho thấy, thực hiện chế độ BHXH là quan hệ 3 bên gồm người lao động - người sử dụng lao động - nhà nước. Trong đó, nhà nước xây dựng chính sách, người sử dụng lao động của nhóm đơn vị công, hỗ trợ mức đóng – hưởng với nhóm khó khăn. Muốn gia tăng bao phủ BHXH phải hài hoà giữa quy định BHXH bắt buộc, với sự hỗ trợ của nhà nước cho nhóm lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ để tạo thói quen, nâng cao nhận thức tham gia BHXH, hỗ trợ khi cao tuổi không có lương hưu do không đóng góp lúc còn trẻ.
Nhu cầu, mong muốn tham gia BHXH bắt buộc để thụ hưởng đầy đủ các chế độ an sinh là có ở các nhóm lao động khác nhau. Thực tế, thời gian qua, dù pháp luật chưa quy định, nhưng vẫn có hơn 4.000 chủ hộ kinh doanh đã tham gia và thụ hưởng các chế độ của BHXH bắt buộc.
Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã quy định bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các đối tượng trên. Các đề xuất bổ sung đã được cân nhắc, xem xét trên nhiều yếu tố.
Cụ thể, với nhóm chủ hộ kinh doanh, chỉ quy định đóng BHXH bắt buộc với chủ hộ có đăng ký kinh doanh, không quy định bắt buộc với hộ gia đình sản xuất nông – lâm - ngư – diêm nghiệp; những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp. Dự luật cũng chỉ bổ sung những người lao động làm việc không trọn thời gian có tiền lương tháng, với mức lương bằng hoặc cao hơn căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất (50% lương tối thiểu vùng cao nhất); những người làm bán thời gian có thu nhập thấp hơn mức tối thiểu trên không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.
Dự luật cũng bổ sung quy định về căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố (lương tối thiểu vùng 1). Các đối tượng như chủ hộ có đăng ký kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng lương được lựa chọn mức lương tính đóng BHXH bắt buộc theo khả năng và nhu cầu từng người, nhưng không thấp hơn mức tối thiểu trên.
Về việc nghiên cứu, bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với nhóm người lao động mới, như trong thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn... Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, đây là vấn đề mới, phức tạp không chỉ đối với Việt Nam mà cả với các nước phát triển. Hầu hết quốc gia chưa quy định người lao động trong nền kinh tế số nằm trong diện tham gia BHXH bắt buộc. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vẫn đang trong quá trình nghiên cứu về nhóm lao động trong nền kinh tế số, kinh tế chia sẻ tham gia BHXH để đưa ra khuyến nghị cho các nước trong thời gian tới.
Do đó, khoản 6 Điều 3, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi quy định theo hướng: Việc tham gia BHXH bắt buộc đối với các đối tượng khác có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hộitừng thời kỳ”. Quy định này tạo điều kiện cho việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm đối tượng khác (trong đó có nhóm lao động mới), phù hợp với sự thay đổi của quan hệ lao động, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người lao động trong tương lai.
Dự thảo Luật BHXH sửa đổi cũng bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn/tổ dân phố. Đây là đối tượng hưởng chế độ phụ cấp do ngân sách nhà nước đảm bảo, khi tham gia BHXH bắt buộc, với vai trò là người sử dụng lao động - nhà nước sẽ thực hiện trách nhiệm với phần đóng góp của mình cho nhóm này.
Tính tới hết năm 2022, cả nước có khoảng 270.300 người hoạt động không chuyên trách ở thôn/tổ dân phố. Tuy nhiên, do phần nhiều người hoạt động không chuyên trách ở thôn/tổ dân phố là người nghỉ hưu hoặc hết tuổi lao động, có trợ cấp khác, nên số thực tế thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc ít hơn nhiều. Dự kiến, kinh phí ngân sách nhà nước tăng thêm để đóng BHXH bắt buộc cho nhóm cán bộ không chuyên trách ở thôn/tổ dân phố chỉ hơn 332 tỷ đồng/năm.