Hoàn thiện BHXH đa tầng
Cho ý kiến vào Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, một số đại biểu Quốc hội có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo dự luật giải trình tên gọi là trợ cấp hưu trí xã hội mà không phải là trợ cấp xã hội. Đồng thời, đề nghị quy định ở Luật Người cao tuổi như hiện hành, thay vì chuyển quy định sang Luật BHXH sửa đổi. Một số ý kiến cũng đề nghị “nới hơn” với độ tuổi nhận trợ cấp này, thay vì quy định “cứng” là 75 tuổi trở lên.
Bộ LĐ-TB&XH – cơ quan chủ trì soạn thảo Luật BHXH sửa đổi cho rằng, thuật ngữ “trợ cấp hưu trí xã hội” được thể hiện tại Nghị quyết 28- NQ/TW của Trung ương, là một tầng trong hệ thống BHXH đa tầng; phân biệt với trợ cấp hằng tháng khác theo chính sách trợ giúp xã hội.
Việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi thay vì để ở Luật Người cao tuổi nhằm: Thể hiện rõ hơn về hệ thống BHXH đa tầng theo định hướng tại Nghị quyết 28; Tăng cường sự liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội và BHXH cơ bản trong hệ thống BHXH đa tầng.
Về đề xuất tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội giảm từ 80 tuổi xuống 75 tuổi, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, bối cảnh ngân sách nhà nước hiện nay chỉ có thể cân đối để giảm tuổi nhận trợ cấp xuống 5 tuổi so với hiện hành, khi còn hàng triệu người từ 60-75 tuổi chưa có lương hưu hoặc trợ cấp khác.
Bên cạnh đó, khi quy định trợ cấp hưu trí xã hội tại Luật BHXH sửa đổi, sẽ có tính liên kết với nhóm đã đóng BHXH nhưng chưa đủ số năm đóng tối thiểu để nhận lương hưu (tối thiểu 15 năm đóng). Khi họ tới tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi), với số năm đã đóng BHXH chưa đủ nhận lương hưu, có thể chọn nhận trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn do quỹ BHXH chi trả, khi đủ 75 tuổi sẽ nhận trợ cấp do ngân sách nhà nước đảm bảo. Trong thời gian nhận trợ cấp này vẫn được hưởng BHYT do ngân sách nhà nước đóng.
Quy định trên cũng là giải pháp quan trọng hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần, khuyến khích nhằm gia tăng số người được hưởng trợ cấp hằng tháng khi hết tuổi lao động.
Ngoài ra, khi quy định trợ cấp hưu trí xã hội tại Luật BHXH sửa đổi sẽ thêm nhiều người được nhận, khi giảm độ tuổi hưởng trợ cấp từ 75 tuổi thay vì 80 tuổi đang quy định trong Luật Người cao tuổi.
Về tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội, Bộ LĐ-TB&XH đồng thuận quan điểm giảm tuổi nhận trợ cấp này là cần thiết. Do đó, khi đưa vào Luật BHXH sửa đổi sẽ đảm bảo được nghiên cứu, xem xét một cách toàn diện trong các chế độ cho người về hưu; khuyến khích tham gia BHXH tự nguyện, giảm nhận BHXH một lần để có trợ cấp hoặc lương hưu.
Không quy định “cứng” 75 tuổi trở lên mới được nhận
Một số ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng đề xuất giảm tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội dưới 75 tuổi với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; hoặc cho phép địa phương có nguồn ngân sách được dùng để trả trợ cấp này sớm hơn; hoặc giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định từng thời kỳ…
Giải trình các góp ý trên, Bộ LĐ-TB&XH cho hay, để đảm bảo linh hoạt trong thực hiện chế độ trợ cấp hưu trí xã hội, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã quy định: Giao Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước từng thời kỳ; Nhà nước khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Về ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là người phải “không có thu nhập riêng”, Bộ LĐ-TB&XH dẫn kinh nghiệm quốc tế cho thấy, kể cả với nước quản lý tốt dòng tiền của người dân, quy định như trên cũng rất tốn kém cho việc quản lý. Thậm chí, chi phí để quản lý, “sàng lọc người không có thu nhập riêng” còn cao hơn khoản chi trợ cấp hưu trí xã hội cho họ. Chính vì thế, nhiều quốc gia chi trả trợ cấp hưu trí xã hội cho tất cả người cao tuổi, không đặt vấn đề phải thẩm tra thu nhập, thậm chí áp dụng cả với cả những người hưởng lương hưu mức thấp. Một số nước cũng chỉ loại trừ những người có nguồn thu nhập dễ dàng trong việc thẩm tra (lương hưu hoặc BHXH hằng tháng...) tương như quy định tại Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang quy định.
Về mức chi từ ngân sách nhà nước cho trợ cấp hưu trí xã hội sau khi giảm tuổi nhận từ 80 tuổi xuống 75 tuổi, dự kiến năm 2025 có thêm 800.000 người được hưởng; tới năm 2030 có thêm 900.000 người được hưởng. Với mức trợ cấp chưa điều chỉnh (360 nghìn đồng/người/tháng), dự kiến kinh phí ngân sách nhà nước chi cho chế độ này cả năm 2025 khoảng 3.400 tỷ đồng, cả giai đoạn 2025-2030 khoảng 20.500 tỷ đồng; nếu gồm cả trợ cấp và tiền đóng BHYT, ngân sách nhà nước chi chế độ này cho cả năm 2025 khoảng 3.600 tỷ đồng, và cả giai đoạn 2025-2030 khoảng 21.500 tỷ đồng.
Trường hợp vừa giảm tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội, vừa tăng mức trợ cấp lên 500 nghìn đồng/người/tháng, ngân sách chi cho đảm bảo chế độ này cả năm 2025 khoảng 5.000 tỷ đồng, cả giai đoạn 2025-2030 khoảng 30.000 tỷ đồng.