Đề xuất Bộ Y tế kiểm soát đào tạo ngành sức khỏe

TP - Chính phủ đang lấy ý kiến góp ý của dư luận xã hội đối với Dự thảo nghị định quy định về đào tạo chuyên khoa trong lĩnh vực sức khỏe.
Sinh viên đại học Y, Hà Nội đi thực tế ảnh: hồng vĩnh

Theo dự thảo này, các nội dung quy định trình độ đào tạo nhóm ngành sức khỏe đều bám sát khung trình độ quốc gia. Có một điểm khác biệt đó là khung trình độ quốc gia đã quy định bậc 7 là Thạc sĩ. Còn trong dự thảo đang có đề xuất với ngành y dược thì chia bậc 7 làm 2 loại: Thạc sĩ và tương đương thạc sĩ. Một điểm mới dự kiến nữa là nếu tốt nghiệp đại học y dược (khung bậc 6) thì chỉ được gọi là cử nhân, còn bác sĩ, dược sĩ, chuyên khoa là “tương đương thạc sĩ”. Một chuyên gia băn khoăn không biết cử nhân y khoa có được khám chữa bệnh không. 

Đặc biệt, từ trước đến nay, theo các thông tư của Bộ GD&ĐT, khi cơ sở đào tạo ĐH muốn mở ngành đào tạo phải xin ý kiến của Bộ GD&ĐT, kể cả khi được tự chủ thì cũng phải báo cáo lên Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT cũng quy định điều kiện trường bị “rút giấy phép” đào tạo. Về chỉ tiêu đào tạo, các cơ sở giáo dục ĐH tự xác định chỉ tiêu dựa trên các tiêu chí được Bộ GD&ĐT đưa ra rồi báo cáo Bộ. 

Trong khi đó, tại Dự thảo Nghị định này, cơ sở đào tạo muốn tham gia đào tạo chuyên khoa hoặc chuyên khoa sâu (trong đó có ngành bác sĩ, dược sĩ) thì phải chuẩn bị hồ sơ đăng ký nhận nhiệm vụ đào tạo, gửi về Bộ Y tế để Bộ chủ trì tổ chức thẩm định. Sau khi nhận được hồ sơ đã hoàn thiện theo yêu cầu của hội đồng thẩm định, trong vòng 15 ngày làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế phải có quyết định. Cơ sở đào tạo sẽ bị thu hồi quyết định khi cơ quan nhà nước xác định có một trong các trường hợp sau: không duy trì được các yêu cầu về đào tạo chuyên khoa hoặc chuyên khoa sâu mà Chính phủ đã quy định, có hành vi gian lận để được nhận nhiệm vụ đào tạo, vi phạm quy định về tuyển sinh, quản lý, tổ chức đào tạo, không tuyển sinh được học viên học ngành/chuyên ngành đó trong 3 năm liên tiếp… 

Như vậy, nếu Nghị định này thông qua và những nội dung trên được đồng thuận thì rất có thể, thời gian tới, các cơ sở đào tạo nhóm ngành sức khỏe muốn mở ngành, chỉ tiêu đào tạo sẽ phải xin ý kiến hai bộ: Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế.