Cục Hàng không vừa trình Bộ GTVT dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, trong đó bổ sung mới giá sàn vé máy bay. Mức giá sàn này được tính bằng 20% mức giá trần đang áp dụng hiện nay.
Cụ thể, với các đường bay dưới 500km phát triển kinh tế - xã hội, khung giá được áp dụng là từ 320.000 – 1,6 triệu đồng/vé/chiều.
Đường bay khác dưới 500km, khung giá từ 340.000 - 1,7 triệu đồng/vé/chiều.
Đường bay từ 500 - 850km, khung giá từ 440.000 - 2,2 triệu đồng/vé/chiều.
Đường bay từ 850 - 1.000km, khung giá từ 560.000 - 2,79 triệu đồng/vé/chiều.
Đường bay 1.000 - 1.280km, khung giá từ 640.000 – 3,2 triệu đồng vé/chiều.
Đường bay từ 1.280km trở lên, khung giá từ 750.000 - 3,75 triệu đồng/vé/chiều.
Cục Hàng không lý giải, từ khi dịch COVID-19 bùng phát tới nay, khách hàng không giảm mạnh, khi bay chở khách thường lệ quốc tế đã dừng toàn bộ, các đường bay nội địa hiện cũng cơ bản tạm dừng. Trong khi đó, số lượng máy bay các hãng duy trì vẫn tiếp tục tăng, chi phí tăng, doanh thu giảm khiến các hãng đứt gãy dòng tiền thanh toán. Tình trạng đó nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của các hãng hàng không.
Để cạnh tranh, các hãng liên tục hạ giá vé để có thêm dòng tiền duy trì hoạt động. Do đó, Cục Hàng không đề xuất tạm thời áp giá sàn vé máy bay để giải quyết khó khăn cho các hãng, kéo dài trong 12 tháng, từ tháng 11/2021 tới hết năm 2022. Mức giá sàn tương đương chi phí bình quân các hãng cung cấp.
Cục Hàng không tính toán, từ năm 2023 thị trường hàng không Việt Nam có thể phục hồi lại, khi đó giá sàn sẽ được bỏ. Trường hợp dịch bệnh vẫn kéo dài hơn dự kiến có thể gia hạn áp dụng chính sách này.
Đề xuất giá sàn vé máy bay kể trên của Cục Hàng không là một thay đổi đáng chú ý trong quan điểm quản lý, khi trước đó, trong nhiều năm, cơ quan này liên tục phản đối việc áp giá sàn vé máy bay. Thậm chí, cơ quan này còn có xu hướng bỏ cả trần giá vé máy bay nội địa. Thực tế, tại báo cáo đề xuất sửa đổi Luật Hàng không dân dụng, Cục Hàng không cũng đưa vào hướng sửa luật để bỏ trần giá vé máy bay với đường bay có từ 3 hãng khai thác trở lên (tức vé máy bay các đường bay này sẽ thả nổi hoàn toàn).
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia du lịch, nếu đề xuất áp giá sàn vé máy bay của Cục Hàng không được áp dụng, thị trường du lịch trong nước sẽ chịu không ít ảnh hưởng. Thực tế, trong gần 2 năm xảy ra dịch COVID-19, mỗi khi trong nước kiểm soát được dịch bệnh, thị trường du lịch hưởng lợi nhờ vé máy bay giá rẻ đã kích thích người dân đi lại, nghỉ dưỡng. Cùng đó, các hãng cũng dùng vé máy bay giá rẻ, thậm chí 0 đồng để tham gia các chương trình kích cầu du lịch nội địa.
Hồi tháng 6 vừa qua, Bộ GTVT cũng lập Tổ công tác kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật của các hãng hàng không về cạnh tranh giá vé máy bay nội địa. Tổ này ra đời theo Chỉ đạo của Chính phủ, khi trị trường xuất hiện nhiều vé máy bay 0 đồng, hoặc dưới 100 nghìn đồng/vé, trong khi phí lên tới trên dưới 500.000 đồng/vé.
Do đó, các chuyên gia phân tích, với giá sàn kể trên, cộng với một số khoản phí quản lý do các hãng thu thêm, phí dịch vụ sân bay, thuế... vé máy bay sẽ không còn rẻ, và Việt Nam sẽ không còn hãng nào được gọi với tên hàng không giá rẻ nữa. Trường hợp vé được bán với giá sàn là 340.000 đồng/vé/chiều bay, phí quản lý các hãng đang thu hiện nay bình quân thêm 500.000 đồng/khách, thêm các khoản thuế, phí khác, tổng tiền khách phải trả sẽ không rẻ hơn 800.000 đồng/chiều. Đó là với giá thấp nhất cho đường bay ngắn nhất.
Với các đường bay thu hút nhiều hành khách như Hà Nội – TPHCM/Phú Quốc/Đà Lạt/Đà Nẵng; TPHCM - Nha Trang/Huế/Bình Định/Thanh Hóa... chắc chắn sẽ không dưới 1 triệu đồng/vé/chiều.
Với mức giá vé máy bay kể trên, mỗi chuyến đi nghỉ 1 khách sẽ tiêu tốn tối thiểu trên dưới 2 triệu đồng cho riêng tiền đi máy bay, khi đó các chương trình kích cầu du lịch nội địa sẽ không còn quá thu hút với hành khách. Trong khi ngành du lịch đang “liêu xiêu” trong dịch COVID-19, rất cần các chương trình kích cầu, giá giá vé trong đó có vé máy bay, để có lượng khách lớn khỏa lấp khoảng trống suốt thời gian qua.