Diễn đàn có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo các trường học trên địa bàn thành phố.
Đây cũng là dịp nhằm tập trung trí tuệ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo để bàn thảo, tìm giải pháp giúp các nhà trường, nhà giáo Hà Nội đổi mới, sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của giáo dục và đào tạo Hà Nội đến năm 2030.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam dẫn lời của Nhà giáo dục, diễn giả Stephen Covey: "Thách thức lớn nhất của ngày nay là sao khai mở tiềm năng của tất cả trẻ em để chúng có thể chủ động dẫn dắt cuộc sống của chính mình thay vì người khác dẫn dắt".
Theo ông Lâm, đó là mấu chốt của chuyển đổi giáo dục. Nhiệm vụ của giáo dục là giúp đỡ mỗi đứa trẻ tự đưa ra những quyết định của chính mình. Các thầy cô, nhà trường giáo dục học sinh cần thiết chú trọng những giá trị cốt lõi như: yêu nước, yêu lao động, dũng cảm, tự trọng, sống có hoài bão…
Cũng theo ông Lâm, Hà Nội hiện có nhiều loại hình trường học, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có hệ thống trường ngoài công lập phát triển mạnh, tạo ra sắc màu phong phú cho giáo dục. Cần thiết phải xây dựng mô hình trường học đáp ứng nhu cầu phát triển kỉ nguyên mới của đất nước theo hướng nhà trường tự chủ, dân chủ, nhân văn, sáng tạo, hội nhập.
Các chuyên gia, nhà giáo cũng dành thời gian thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm đẩy mạnh các phong trào thi đua trong ngành Giáo dục, trong đó có phong trào thi đua “Hai tốt”; kinh nghiệm chuyển đổi số và xây dựng trường học thông minh; vận dụng khoa học tâm lý - giáo dục trong quá trình xây dựng và vận hành mô hình phòng tâm lý học đường…
Trong đó có ý kiến đề xuất các giải pháp cấp thiết, cần được ưu tiên để đạt mục tiêu hướng tới năm 2030 đó là hình thành hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, thực học, thực nghiệp, dạy học gắn với thành phố học tập. Trong đó, các nhà trường được giao quyền tự chủ khi đã được kiểm định và công nhận về chất lượng.