Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng thông tin, kiểm tra công tác tổ chức thi và báo cáo cho thấy các địa phương đã chủ động xây dựng kịch bản, phương án dự phòng các tình huống về thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, giao thông, phòng cháy chữa cháy, cung ứng điện… để kịp thời ứng phó, xử lý trong những ngày thi.
Các sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo để học sinh từ vùng thuận lợi đến khó khăn ôn thi tốt nghiệp THPT, tổ chức các đợt thi thử. Đặc biệt đều quan tâm hỗ trợ thí sinh có điều kiện hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo không để bất kỳ thí sinh nào vì khó khăn kinh tế hay đi lại mà không tham gia kỳ thi.
+ Theo ông, kỳ thi có những thuận lợi, khó khăn gì?
- Thuận lợi đầu tiên phải kể tới đó là kỳ thi vẫn cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Quy chế thi năm nay được sửa đổi, bổ sung với một số điều chỉnh nhằm tăng cường các yếu tố an ninh, an toàn và bảo đảm quyền lợi cao nhất cho thí sinh, phân công và chịu trách nhiệm rõ cho mỗi bên liên quan tổ chức kỳ thi.
Sau 3 năm kỳ thi tổ chức trong bối cảnh dịch COVID-19 nay đã quay về trạng thái bình thường, do đó, thí sinh, người làm thi, phụ huynh và toàn xã hội an tâm hơn.
Nhưng vẫn còn những khó khăn như: lứa học sinh này cũng có 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thứ hai là, có thể xuất hiện tâm lý chủ quan vì nghĩ rằng công việc này nhiều năm đã làm; chủ quan từ chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị đến công tác kiểm tra, giám sát các quy trình.
Vấn đề sử dụng thiết bị công nghệ cao, tinh vi để gian lận; kỳ thi tổ chức quy mô lớn ở các vùng miền địa hình khác nhau, nên công tác bảo đảm an ninh, an toàn cần phải có kế hoạch, giải pháp. Tình hình thời tiết cực đoan, khắc nghiệt, nắng nóng, thiếu điện… sẽ là những khó khăn cần phải có phương án dự phòng.
Chặn thiết bị gian lận công nghệ cao
+ Kỳ thi tốt nghiệp THPT ngoài mục đích xét tốt nghiệp còn được phần lớn các cơ sở giáo dục ĐH sử dụng kết quả để xét tuyển. Vậy đề thi sẽ như thế nào?
- Với tính chất quan trọng như vậy, định hướng đề thi tốt nghiệp THPT sẽ đảm bảo các mức nhận biết, thông hiểu. Học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đồng thời, nội dung đề thi sẽ chú ý mức độ vận dụng, vận dụng cao, có tính phân hóa phù hợp là căn cứ để các cơ sở đào tạo đại học sử dụng như một trong các phương thức xét tuyển.
+ Bộ GD&ĐT có đề nghị gì với các địa phương về các biện pháp ngăn chặn gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao?
- Quan trọng nhất là tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc phòng, chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ. Việc mua bán, sử dụng những thiết bị này không chỉ vi phạm quy chế thi mà còn vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo các quy định pháp luật.
+ Ông có lưu ý, nhắn nhủ gì tới thí sinh, phụ huynh?
- Khi đi kiểm tra thi ở các địa phương, tôi đã gặp gỡ các em học sinh tại một số trường học trong những ngày ôn thi nước rút. Không khí và tinh thần học tập của các em rất đáng ghi nhận. Tôi mong rằng, các em sẽ mang tinh thần này để bước vào kỳ thi đạt kết quả tốt nhất.
Với các vị phụ huynh, ngoài dành sự chăm sóc, động viên tinh thần cho các em thí sinh bình tĩnh, tự tin, tôi mong rằng, phụ huynh cũng dành sự quan tâm nhắc nhở các em để thực hiện đúng Quy chế, có như vậy mới tránh được những thiệt thòi về kết quả thi cho chính các em.
Cảm ơn ông.