Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời - cho rằng, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá mang lại nhiều lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp, giúp thay đổi diện mạo ngành lúa gạo Việt Nam.
Tuy nhiên, có một thực tế, hiện người nông dân chưa tiếp cận được nguồn vốn vay chính thức từ các ngân hàng, dẫn đến việc phải vay vốn với lãi suất cao để trồng lúa; điều này làm giảm thu nhập của nông dân. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng khó mở rộng sản xuất và thu mua lúa khi ngân hàng chưa chấp nhận cho vay với hình thức thế chấp bằng lúa.
“Đề án cần phải có cơ chế đột phá để giúp người nông dân nâng cao thu nhập, đảm bảo tương xứng với công sức bỏ ra. Lợi nhuận bình quân của nông dân có thể trên 40%. Lúc đó họ mới cảm thấy có động lực tham gia”, ông Thuận nói.
Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, đề án cần có hạn mức tín dụng riêng cho hoạt động trồng lúa. Trong đó, đối tượng vay là hợp tác xã, được thế chấp bằng lúa hình thành vào cuối vụ và thanh toán sau khi bán lúa. Điều kiện vay là phải có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu và đặt cọc bao tiêu cho hợp tác xã.
Cũng theo ông Thuận, một vấn nạn nghiêm trọng đang diễn ra phổ biến ở ĐBSCL là tình trạng vi phạm bản quyền giống lúa dẫn đến chất lượng gạo suy giảm và không thể cấp được mã số vùng trồng.
Vấn đề quan trọng đề án cần quan tâm là khuyến khích sản xuất theo quy mô lớn để giảm chi phí, và đảm bảo chất lượng lúa được đồng bộ. Do đó, đề án cần phải thực hiện trên quy mô của hợp tác xã với yêu cầu diện tích mỗi hợp tác xã phải lớn hơn 3.000 ha. Đặc biệt, để phát triển bền vững và an toàn, cần giảm tối đa lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong canh tác.
Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An - cho rằng, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao về bản chất là “cánh tay nối dài” của chương trình cánh đồng mẫu lớn.
Với diện tích này, nếu các doanh nghiệp, địa phương và người dân... cùng hợp tác đầu tư làm bài bản; mỗi đơn vị vài chục nghìn ha lúa là có thể thực hiện được.
"Để thực hiện được thành công đề án, cần phải sự hỗ trợ rất lớn từ nhà nước về các cơ chế, chính sách. Trong đó, cần có nhạc trưởng điều phối cho toàn vùng ĐBSCL một cách nhịp nhàng, ăn ý; tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, hoặc thực hiện giữa chừng phải ngưng trệ", ông Bình cho hay.
Ông Nguyễn Văn Thành - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại Phước Thành IV - cũng cho rằng, để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi này, các địa phương phải mời doanh nghiệp có tiềm năng tham gia liên kết sản xuất để thu mua lúa cho bà con nông dân. Quan trọng nhất, chính sách của Chính phủ hỗ trợ được gì cho bà con nông dân và doanh nghiệp.
Ông Thành lấy ví dụ, với mô hình cánh đồng mẫu lớn đã có không ít doanh nghiệp tham gia ngay từ đầu nhưng gặp rất nhiều khó khăn, mà cụ thể là gãy đổ hợp đồng giữa doanh nghiệp và hợp tác xã. Do vậy, về chính sách, Chính phủ phải có hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị, kho chứa; đồng thời tạo sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các bên khi tham gia.
Chia sẻ với Tiền Phong, lãnh đạo Cục Trồng trọt cho biết, đề án đang 'chạy nước rút' để lấy ý kiến các địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức…sau đó sẽ gửi các bộ, ngành góp ý kiến lần cuối. Dự kiến, Bộ NN&PTNT sẽ trình đề án lên Chính phủ trong tháng 4 và nếu được thông qua sẽ chính thức triển khai từ năm 2024.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích chuyên canh lúa chất lượng cao toàn ĐBSCL đạt trên 500.000 ha, tương ứng khoảng 1 triệu ha gieo trồng/năm và sản lượng đạt khoảng 6,2 triệu tấn lúa (khoảng 3,8 triệu tấn gạo).
Đến năm 2030, diện tích chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng ĐBSCL đạt 1 triệu ha, với sản lượng đạt khoảng 12,4 triệu tấn lúa (khoảng 7,7 triệu tấn gạo).