Người ta bắt đầu đặt vấn đề: Phải thay đổi cách dạy, cách học và cả cách ra đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi vào đại học; có ý kiến lại cho rằng bài văn này là những cảm xúc quen thuộc của giới trẻ đang đăng tải đầy trên các trang báo, đặc biệt trên các mạng; vậy nếu ra đề thi theo kiểu này thì có ổn không...
Để góp phần tìm hiểu thực chất của vấn đề, báo Tiền phong đã trao đổi cùng các thầy cô giáo, các chuyên gia giáo dục...
Những kiểu đề văn như thế nên đặt vào chương trình ngoại khóa
(Anh Đoàn Công Huynh, Tổng Biên tập báo Sinh viên Việt Nam)
Có ý kiến rằng bài văn của học sinh Hà Minh Ngọc giống một số tác phẩm đương đại viết cho giới trẻ như “Hạt giống tâm hồn” (NXB trẻ) hay một số bài trên mạng Internet vì những lời tự sự như thế đang trở thành một trào lưu của giới trẻ hiện nay. Anh đánh giá như thế nào về ý kiến này?
Có thể có một trào lưu như thế nhưng bài văn này là của Ngọc. Bài văn này lạ; đặc biệt, trong hoàn cảnh ngày nay, các đề văn thường sáo rỗng, khiến nhiều em viết sáo, chưa hay, chưa đặc sắc, chưa thăng hoa vẫn có thể đạt điểm 10.
Vậy loại đề văn mở như thế này có nên hay không?
Ra đề như hiện nay làm cho môn Văn cũng chỉ giống như Toán, Sử, Địa, không khác gì và làm cho người giỏi văn không có chất văn chương. Đó là bi kịch. Có những thí sinh đạt điểm 10 văn nhưng lại chưa chắc có tư chất văn chương; hành văn thế nào, tâm hồn thế nào không được tính đến, học sinh chỉ cần làm bài để người chấm đếm đúng ý, đủ ý.
Đề mở thì nên nhưng khó chấm vì chấm thi hàng loạt phải có ba-rem, nên loại đề này chỉ nên khuyến khích trong ngoại khóa văn. Hoặc có chăng câu hỏi mở như thế này chỉ là một trong 2, 3 câu trong một đề văn. Hơn nữa trình độ văn chương của giáo viên cũng là một vấn đề.
Không phải mọi đề văn đều nên mở như vậy!
(PGS TS Lê Quang Hưng, ĐH SP HN)
Là một thầy giáo của "cỗ máy cái" đào tạo ra các thầy cô giáo dạy văn, anh có cho rằng chúng ta phải thay đổi ngay cách dạy và học văn cũng như cách ra đề văn không?
Đọc bài văn tôi thấy em học sinh này có cá tính. Đây là một đề văn giống nghị luận xã hội.
Lâu nay chúng ta nghe dư luận chê: Chúng ta đang dạy văn, học văn và ra đề theo kiểu khuôn mẫu, bắt học sinh học vẹt... Điều đó cần phải sửa, nhưng sửa đến mức nào là việc cần phải nghiên cứu thận trọng, không thể chạy từ cực này sang cực khác được. Học văn thì học sinh phải có kiến thức luận của văn, phải biết đến thời kỳ văn học, tác phẩm văn học và trên cơ sở đó mới phát triển cái tôi, cái bản thân...
Theo tôi kiểu đề thi mở như thế có thể là một phần của đề văn chứ không phải tất cả các đề văn đều mở và cần mở như vậy. Nếu dạy văn mà chỉ thiên về nghị luận xã hội cũng không được.
Như vậy Văn không thể là tự do mà vẫn phải dùng ...đáp án?
Nhà trường phải có chuẩn của nó. Đáp án không mâu thuẫn, không trói buộc học sinh vấn đề là làm đáp án thế nào, mở đến đâu để học sinh thể hiện cái tôi.
Thử hình dung nếu đề văn ra không ba-rem, chỉ cầm bằng vào cảm nhận và cứ chênh nhau 0,5 điểm là người chấm phải đối thoại, giáo viên sẽ không chấm nổi bài và sẽ cãi nhau suốt nửa năm không chấm nổi được một đề văn vì mỗi người đều có cảm nhận riêng.
Chúng ta cũng nên lưu ý rằng đây là một đề văn ở trường chuyên, cho học sinh chuyên và cô giáo cũng ...chuyên nốt. Dạy đại trà thì không thể!
Ngành GD-ĐT khuyến khích những học sinh có cá tính nhưng...
(TS Lưu Bình Trị, người phụ trách môn Văn học, Bộ GD-ĐT)
Qua bài văn của em Ngọc, ông có ý kiến gì về tính tự do, tính sáng tạo trong dạy và học Văn?
Bài văn này được viết có hồn, có tình cảm; loại bài này phát huy cá nhân tốt, rất tự do giống như mô-típ đề thi từng có: viết về chị gái của em, mẹ em, niềm vui của em, nỗi buồn của em... Tôi xin nhấn mạnh, chủ trương của ngành GD-ĐT là rất khuyến khích những học sinh có cá tính, sáng tạo từ lâu rồi. Tôi cũng đã có lần phát biểu là cần chống “đồng phục hóa” các bài giảng văn trong nhà trường.
Vậy đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách học, cách ra đề để phát huy tính tích cực của học sinh?
Đó chính là đường hướng mà Bộ GD-ĐT kiên trì làm, chỉ có điều chưa được thành công như mong muốn.
Tôi xin đơn cử một số đề Văn năm 1982: “Sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam qua văn học”; “Hình ảnh Bác Hồ trong thơ Tố Hữu”; “Về một bài thơ mà em yêu thích”... Có thể hiểu rằng, trong các đề này học sinh muốn viết gì thì viết... nhưng điều này chỉ thích hợp với những học sinh thực sự học văn và học văn tương đối tốt và với những giáo viên có trình độ, có trách nhiệm cao trong việc chấm bài thi.
Đề loại này mà ra trong đề thi tốt nghiệp hay đại học thì... chết ngay! Thứ nhất nhiều học sinh không làm được; thứ hai hàng vạn hàng ngàn giáo viên có những người năng lực còn non kém không chấm được thì kỳ thi sẽ thành bát quái trận đồ ngay lập tức. Vì vậy tôi nghĩ rằng kết hợp 2 kiểu ra đề trong một đề thi là việc nên làm.