Rất mừng là Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi các Sở GD&ĐT về việc triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010 - 2015.
Theo đó, các tỉnh, thành phố sẽ triển khai mô hình thí điểm dạy bơi trong các trường tiểu học bằng các hình thức phù hợp với từng địa phương.
Đối tượng dạy bơi tập trung vào khối 4 và mở rộng dạy cho học sinh khối 3 và 5. Bể bơi được đầu tư xây dựng tại trường học, hoặc cụm trường...
Chúng tôi cho rằng, đây là chủ trương rất hữu ích, thiết thực đối với mọi thế hệ học sinh, song để đạt được mục tiêu đặt ra không dễ dàng chút nào. Vì kinh phí xây dựng, duy trì hoạt động và bảo dưỡng bể bơi quá sức đối với các trường và địa phương, trong khi nếu Bộ hỗ trợ kinh phí cho các trường thì sẽ là nguồn vốn khổng lồ.
Mỗi trường xây một cái bể bơi cũng cần đến cả trăm triệu đồng. Trong khi đó, cơ sở vật chất nhà trường, đồng lương, thu nhập của giáo viên còn bộn bề khó khăn, eo hẹp.
Bộ GD&ĐT cần có cái nhìn và cách làm thực tế. Trước mắt, ở các thành phố lớn, nhà trường có thể phối hợp với các bể bơi bên ngoài để tổ chức các lớp dạy kỹ năng bơi cho các em. Cần ưu tiên làm bể bơi cho những vùng có nhiều sông nước, kênh rạch, hay xảy ra lũ lụt, trẻ em bị đe dọa, có nguy cơ đuối nước cao hơn.
Đã có bể bơi rồi, thì vấn đề cần được quan tâm là vệ sinh bể bơi để tránh cho học sinh mắc những căn bệnh do nước nhiễm khuẩn gây ra.
Mặt khác, khâu tổ chức học sao cho hợp lý. Học sinh nam học buổi này thì học sinh nữ học buổi kia. Không nên cho học tập trung như một số trường đã làm thí điểm.
Được học bơi ở bậc tiểu học rồi, nhưng lên cấp 2, cấp 3, không có điều kiện luyện tập lại, rất dễ quên, lúc xảy tình huống không biết xử lý ra sao. Do đó, theo chúng tôi, khi học sinh lên cấp 2, 3, nhà trường phối hợp với Đoàn thanh niên, các thầy cô dạy thể dục tổ chức tập lại hoặc dưới hình thức thi đua bơi lội cho các em, tập trung trong thời gian hè hoặc những ngày cuối tuần.
Các chiến dịch Tình nguyện hè của Đoàn - Hội, đề nghị bổ sung hoạt động dạy bơi cho thiếu nhi, học sinh...