Đầu tư tràn lan, ngành thép mất cân đối trầm trọng
"Theo lộ trình cam kết gia nhập WTO, tới năm 2017, sự cạnh tranh trong ngành sản xuất, tiêu thụ thép sẽ rất khốc liệt, nếu các công ty không nỗ lực đổi mới, chắc chắn sẽ khó tồn tại và phát triển một cách có hiệu quả,” ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cảnh báo trước tình trạng ngành thép phát triển tràn lan, không theo quy hoạch, gây ra tình trạng mất cân đối trầm trọng.
- Tăng trưởng sản xuất các sản phẩm thép trong nước 5 năm gần đây đạt xấp xỉ 20-30%/năm, song nhập siêu của ngành thép vẫn ở mức cao, theo ông, đâu là nguyên nhân của vấn đề này?
Ông Phạm Chí Cường: Hoạt động sản xuất các dòng sản phẩm thép đang có sự mất cân đối, trong khi các sản phẩm như thép xây dựng, thép ống, thép mạ kim loại và sơn phủ màu,.. lại được các doanh nghiệp đầu tư quá mức, vượt xa nhu cầu (gần 200%), thì nhiều sản phẩm thép khác như thép tấm, thép cuộn cán nóng, thép không gỉ, thép chế tạo, không được chú ý đầu tư.
Do đó, hiện tại mỗi năm Việt Nam phải nhập trên 5 triệu tấn thép. Lượng ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu và sản phẩm thép trong nước chưa sản xuất được hàng năm lên tới khoảng 7 tỷ USD.
Ngoài ra, hoạt động đầu tư trong ngành thép không bảo đảm sự phát triển bền vững. Như quy mô sản xuất nhỏ, hầu hết các nhà máy chỉ dừng ở công suất từ 200 nghìn đến 300 nghìn tấn/năm, vì vậy trang thiết bị công nghệ không đạt mức tiên tiến, không đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập sâu với kinh tế khu vực và thế giới.
Hiện cả nước chỉ có 2-3 nhà máy đạt công suất trên 500tấn/năm. Hai năm gần đây xuất hiện 1-2 công ty lựa chọn công nghệ và thiết bị có công suất cỡ 1 triệu tấn/năm, nhưng còn đang trong giai đoạn xây dựng.
Hiện vẫn có nhiều địa phương 'trải thảm đỏ" cho các dự án thép, nhưng thực trạng tình hình sản xuất của ngành hiện nay ra sao?
Ông Phạm Chí Cường: Thực tế, nhiều dự án thép do các địa phương cấp phép đầu tư đã không đủ điều kiện để nhà máy có thể vận hành ổn định và lâu dài, với nhiều lý do như thiếu nguyên liệu quặng sắt, thiếu điện, thiếu nước, giao thông vận tải khó khăn,.. tôi được biết thậm chí có nơi chỉ đi vào sản xuất vài tháng đã phải ngừng.
Thêm vào đó, vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý các sản phẩm gây ô nhiễm không được chú trọng đầu tư hoặc không đủ vốn và kiến thức để lường trước những tác động đến môi trường, nên có trường hợp nhà máy xây dựng xong bị địa phương phản đối, không cho sản xuất, gây lãng phí lớn.
Đáng nói hơn là sự lựa chọn đối tác đầu tư các khu liên hợp lớn những năm gần đây đã được triển khai mạnh mẽ, có tới 3-4 dự án đầu tư FDI với mức đầu tư 5-7 tỷ USD/dự án đã được cấp phép và đã bước đầu triển khai xây dựng. Tuy nhiên nhiều lựa chọn dự án không xuất phát từ những tính toán cân nhắc kỹ lưỡng về năng lực tài chính, kinh nghiệm xây dựng và vận hành các liên hợp thép lớn của nhà đầu tư, nên tới nay chỉ còn lại 1-2 nhà đầu tư tiếp tục triển khai và còn lại hầu hết đều chậm so với tiến độ dự kiến, đã có những biểu hiện gây nghi ngờ về tính hiện thực của các dự án đầu tư cỡ lớn này.
Theo ông, cần phải có những giải pháp gì nhằm tháo gỡ những vấn đề trên?
Ông Phạm Chí Cường: Để khắc phục những tồn tại của ngành thép, Hiệp hội Thép Việt Nam đã kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan quản lý một số giải pháp, như cần phải chấn chỉnh việc cấp phép đầu tư các dự án thép ở các địa phương. Kể cả các dự án đầu tư FDI có biểu hiện kéo dài thời gian xây dựng mà không có lý do chính đáng, đặc biệt lưu ý tới các dự án mà khả năng thu xếp tài chính chưa rõ ràng, tránh tình trạng chiếm đất tìm cơ hội chuyển nhượng dự án để kiếm lời.
Địa phương cần kiên quyết thu hồi giấy phép các dự án không có trong quy hoạch và không thực hiện các thủ tục quy định đầu tư mà Chính phủ đã ban hành. Nên chú trọng đến các dự án sản xuất thép xây dựng, ống thép, thép cán nguội, thép mạ kim loại và tôn phủ màu đã dư thừa công suất gần gấp đôi so với nhu cầu hiện tại thì kiên quyết không cấp thêm giấy phép đầu tư ít nhất cho 5 năm tới...
Đối với các doanh nghiệp thép, trước những khó khăn và thách thức hiện nay, chắc chắn ngành thép sẽ phải cơ cấu lại, những doanh nghiệp thép không còn đủ sức cạnh tranh vì công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nguyên liệu và năng lượng lớn, giá thành cao sẽ buộc phải dừng sản xuất hoặc bán lại cơ sở sản xuất cho các nhà đầu tư có tiềm năng để đầu tư đổi mới công nghệ, bảo đảm sản xuất có hiệu quả.
Các công ty thép khác cũng phải áp dụng nhiều biện pháp cải tiến kỹ thuật, hoàn thiện công tác quản lý và tổ chức sản xuất để phát huy hết năng lực của công ty, bảo đảm công ty phát triển bền vững trong điều kiện hội nhập sâu với thế giới và khu vực.
Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn
Theo Vietnam+