Đầu tư theo hình thức BT: Hà Nội đề xuất cơ chế đặc thù

TP - Hàng loạt vi phạm trong việc triển khai các dự án BT trên địa bàn Hà Nội đã được chỉ rõ trong kết luận của Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, xây dựng hạ tầng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) vẫn là chủ trương được thành phố Hà Nội coi là “chủ lực” trong giai đoạn 2017 - 2021 với con số thu hút dự kiến trên 2 triệu tỷ đồng, việc quản lý và giám sát nguồn vốn là bài toán sẽ không đơn giản.

Dự án nút giao thông Long Biên (Hà Nội) bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm. Ảnh: Hà Thành.

Trong định hướng phát triển kinh tế Thủ đô giai đoạn 2016 - 2021, xây dựng kết cấu hạ tầng được coi là một trong ba khâu đột phá. Để thực hiện mục tiêu trên, dự kiến, Hà Nội vẫn thu hút đầu tư xã hội từ 2,5  đến 2,6 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 20% số vốn cần thiết, vì vậy 80% còn lại là thu hút từ bên ngoài thông qua các hình thức, trong đó chủ lực vẫn là hình thức đối tác công tư (PPP), với dạng hợp đồng BT và BOT.

Riêng ở lĩnh vực hạ tầng giao thông, nhằm khép kín hệ thống giao thông và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, mới đây Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù đầu tư 4 dự án cầu vượt sông Hồng gồm: Tứ Liên, Thượng Cát, Vĩnh Tuy 2, Trần Hưng Đạo và hai cầu vượt sông Đuống gồm Giang Biên và cầu Đuống 2. Đổi lại, Hà Nội phải chuẩn bị trên 1.000 ha đất đối ứng cho doanh nghiệp.

Trước những dấu hỏi dư luận đang đặt ra về năng lực quản lý - giám sát quá trình triển khai dự án BT trên địa bàn thành phố, sau khi Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt vi phạm trong đầu tư BT giai đoạn 2008 - 2015, ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết: Trong báo cáo đề xuất cơ chế đặc thù vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp để sàng lọc, lựa chọn được những nhà đầu tư có thực lực kinh tế tham gia dự án BT.

Cụ thể, để tham gia đầu tư BT nhà đầu tư phải đạt được các tiêu chí: Có năng lực kinh nghiệm trong lĩnh vực quan tâm thực hiện; có đủ năng lực về tài chính; cam kết thực hiện về vốn; có ký quỹ để trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện chậm, không đáp ứng yêu cầu thì phải mất toàn bộ phần tiền ký quỹ này; phải đảm bảo chất lượng toàn bộ công trình đáp ứng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Trừ các dự án cấp bách được chỉ định thầu theo quy định, tất cả các dự án BT trong giai đoạn sắp tới sẽ được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu, nhằm đảm bảo tính công khai - minh bạch.

Ngoài đơn vị quản lý các dự án là Sở KH&ĐT, thành phố hiện có 5 Ban Quản lý dự án theo từng nhóm chuyên ngành cụ thể. Để tăng cường hiệu quả giám sát, thành phố đề xuất cho các Ban Quản lý dự án chuyên ngành tham gia giám sát việc thực hiện hợp đồng, tiến độ thi công từng giai đoạn cụ thể.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết, theo quy định, từ tháng 7/2014, Sở TN&MT tham gia vào việc định giá đất đối với các dự án triển khai theo hình thức BT. Theo trình tự, khi có quyết định giao đất, Sở sẽ thực hiện việc xác định khung giá diện tích đất đối ứng trả cho doanh nghiệp theo các hợp đồng BT, giống như đất các dự án khác.