Đấu thầu y tế: Nhiều vướng mắc

TP - Hiện 3 dự án xây dựng mới các bệnh viện cửa ngõ tại TPHCM sắp đưa vào vận hành nhưng vẫn đang chờ thẩm định cấu hình và thông số kỹ thuật trang thiết bị. Sở Y tế thành phố đã báo cáo Bộ Y tế hàng loạt khó khăn vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế.
Ba Dự án cho 3 bệnh viện cửa ngõ tại TPHCM đang vướng công tác mua sắm trang thiết bị. Ảnh: Duy Anh

Ba dự án xây dựng mới, mua sắm trang thiết bị y tế tại 3 bệnh viện cửa ngõ TPHCM gồm: Đa khoa Khu vực Hóc Môn, Đa khoa khu vực Thủ Đức, Đa khoa Khu vực Củ Chi là những công trình trọng điểm của ngành y tế TPHCM. Sau gần 3 năm triển khai xây dựng, các dự án trên đến nay đang gấp rút hoàn thiện để kịp tiến độ đưa vào vận hành vào cuối năm 2024.

Từ tháng 2/2024, UBND TPHCM đã thông qua chủ trương đầu tư 4.300 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị cho 3 bệnh viện. Tuy nhiên, đến nay việc mua sắm trang thiết bị vẫn chưa được thực hiện. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn đang có tiến độ triển khai nhanh nhất, dự kiến đây sẽ là cơ sở được nghiệm thu và đưa vào hoạt động sớm. Tuy nhiên, sự thiếu đồng nhất về mặt thời gian trong đầu tư giữa hạ tầng và trang thiết bị khiến bệnh viện đi vào hoạt động nhưng chưa có máy móc, thiết bị mới.

Ngày 11/11, trao đổi với phóng viên, BS Đặng Quốc Quân- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn cho biết, hiện bệnh viện đã từng bước triển khai tiếp nhận bệnh nhân đến khám và điều trị trong tòa nhà mới. Tuy nhiên, gói thầu mua sắm máy móc, trang thiết bị vẫn chưa được triển khai. Bệnh viện là đơn vị thụ hưởng công trình này, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp thành phố. Phía bệnh viện rất mong sớm có máy móc, trang thiết bị y tế để phục vụ người bệnh.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về nguyên nhân chậm triển khai gói thầu mua sắm trang thiết bị cho 3 bệnh viện cửa ngõ, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp thành phố (Ban) cho biết, từ tháng 8 đến nay, Ban đã có liên tiếp 3 tờ trình gửi UBND TPHCM cùng các sở ngành và đang chờ thẩm định, phê duyệt để triển khai mời thầu. Ban này cho biết, hiện việc triển khai dự án mua sắm trang thiết bị đang gặp khó khăn trong việc thẩm định dự án, thẩm định cấu hình và thông số kỹ thuật cần được các sở ngành đặc biệt là Sở Y tế TPHCM sớm hỗ trợ.

Trước tình hình trên, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, ngay từ khi được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư mua sắm trang thiết bị cho 3 bệnh viện cửa ngõ với tổng số vốn hơn 4.300 tỷ đồng, Sở Y tế đã tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia đầu ngành để góp ý danh mục đầu tư mua sắm thiết bị y tế cho các bệnh viện phù hợp với định hướng phát triển, đảm bảo hiệu quả. Các gói mua sắm thiết bị y tế, dự kiến tháng 1 đến tháng 2/2025 sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp, lắp đặt.

Bất cập trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị thời gian qua đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bệnh. Ảnh: Vân Sơn

Chưa quy định đầy đủ

Liên quan đến khó khăn vướng mắc trong quá trình đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị y tế, Sở Y tế TPHCM cho biết đã có báo cáo gửi đến Bộ Y tế. Theo đó, việc mua sắm thuốc hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, về ưu đãi đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, chưa có hướng dẫn cụ thể các tài liệu nhà thầu cần nộp để được hưởng ưu đãi và căn cứ xác thực tính chính xác của tài liệu.

Về quy định đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu thì nội dung ( phần ghi chú) chưa thống nhất. Về nội dung ánh xạ thông tin thuốc sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu, một số thuốc đã được Cục Quản lý Dược cấp số đăng ký lưu hành nhưng chưa được cập nhật trong danh mục dùng chung trên cổng điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH). Điều này dẫn đến việc cơ sở y tế đã có kết quả lựa chọn nhà thầu nhưng không thể đẩy dữ liệu ánh xạ lên cổng điện tử của BHXH để sử dụng các thuốc này cho bệnh nhân được hưởng bảo hiểm y tế.

Sở Y tế TPHCM cho biết, Thông tư (số 08/2019/TT-BYT ngày 31/5/2019 của Bộ Y tế) hướng dẫn tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng trong lĩnh vực y tế chưa điều chỉnh “đối tượng áp dụng” nên một số đơn vị sự nghiệp y tế tại các địa phương chưa có căn cứ để xây dựng, trình phê duyệt tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng trong lĩnh vực y tế gây ảnh hưởng đến quá trình mua sắm.

Đối với mua sắm thiết bị y tế, Sở Y tế TPHCM cho rằng, hành lang pháp lý liên quan đến công tác đấu thầu, pháp luật chuyên ngành chưa quy định đầy đủ nội dung và chưa kịp thời cập nhật với sự phát triển kinh tế, xã hội. Cụ thể là chưa ban hành Luật Thiết bị y tế làm cơ sở triển khai thực hiện “phương án thiết kế” đối với các dự án đầu tư công trong lĩnh vực y tế không có cấu phần xây dựng; chưa ban hành Thông tư hướng dẫn nguyên tắc, tiêu chí phân chia nhóm thiết bị y tế theo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng trong đấu thầu.

Các quy định cho việc ghi yêu cầu xuất xứ hàng hóa theo “nhóm nước” trong hồ sơ yêu cầu cũng chưa được quy định rõ ràng; chưa ban hành danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thiết bị y tế, vật tư, sinh phẩm hóa chất xét nghiệm; chưa ban hành thông tư hướng dẫn về kê khai giá thiết bị y tế và các nền tảng số, cổng thông tin (hợp pháp) hiện nay chưa thuận tiện cho việc tra cứu, tìm kiếm và hỗ trợ trong công tác rà soát, đối chiếu, xây dựng giá hàng hóa, thiết bị y tế có tính chất kỹ thuật phức tạp.