Đâu khó có thanh niên - Bài 4: Nhường áo để dân mặc đỡ lạnh

TP - “Các thành viên trong đoàn đều mang nhiều quần áo cá nhân đi thiện nguyện dài ngày. Nhưng lên đây nhiều người dân không có áo mặc trong mưa lạnh nên chúng mình nhường luôn quần áo cá nhân cho họ. Mình giờ còn bộ quần áo trên người này thôi, tắm cũng không còn đồ nữa mà thay. Chiếc áo khoác nắng cuối cùng hôm qua mình cũng đã nhường lại cho bà cụ mặc đỡ lạnh” - Nguyễn Thị Thảo, cô sinh viên tình nguyện đến từ Hà Nội nói.
Các ĐVTN đi bộ vượt suối mang hàng cứu trợ vào cho bà con vùng lũ Mường La. Ảnh: Q.L.

Tại các điểm rốn lũ thuộc huyện Mường La (tỉnh Sơn La) ngày 10/8 nước lũ đã rút. Dọc hai bên tỉnh lộ 109 chạy song song với suối Nặm Păm dài hơn 10 km vào xã Nặm Păm đã bị trận lũ cày nát. Nhìn những vạt lau sậy vẫn nhuốm màu bùn đỏ liêu xiêu về một hướng, những tảng đá nặng hàng tấn lăn lóc khắp đường khiến chúng tôi không khỏi rùng mình.

Trong những đoàn người tham gia cứu trợ người dân vùng lũ không chỉ có lực lượng vũ trang, thanh niên, sinh viên tình nguyện mà có cả những chị bán cá, rau, thịt, và cả những anh xe ôm, tài xế taxi từ chối chở khách để đến chia sẻ với bà con vùng lũ.

“Trong nhóm lái taxi ở thành phố Sơn La chúng tôi có hơn 20 anh em chơi với nhau. Biết bà con đang thiếu thốn, đói khát chúng tôi mỗi người ủng hộ 500 nghìn đồng để mua thực phẩm vào tiếp tế cho bà con”, anh Học, một lái xe taxi ở thành phố Sơn La cho biết.

Để vào cứu trợ ở bản Nà Ten, xã Nặm Păm, chúng tôi phải vượt qua 4 km “cung đường đá” lởm chởm do hậu quả của lũ để lại. Đây cũng là bản mà lực lượng chức năng, đơn vị cứu trợ khó tiếp cận nhất do địa hình chia cắt. Bản Nà Ten có 45 nóc nhà đã bị xóa sổ hoàn toàn. Những người dân sống sót được lực lượng chức năng đưa về nơi an toàn dựng lán ở tạm. Đã có nhiều đoàn, nhóm, tổ chức thiện nguyện đến thăm hỏi mang theo hàng hóa, quần áo, gạo, nước, thuốc men…chia sẻ, động viên bà con.

Chị Nguyễn Thị Hằng, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Ngọc Chiến (Mường La) tổ chức hơn 40 thanh niên tình nguyện, nấu ăn hàng trăm suất cơm mang vào tận nơi chia sẻ với bà con và bộ đội đang làm nhiệm vụ giúp dân. “Nhiều hoàn cảnh thương lắm bởi họ bị nước cuốn hết tài sản, chỉ còn mỗi bộ quần áo mặc trên người. Việc chia sẻ, giúp đỡ bà con gặp nạn là điều nên làm. Chúng tôi rất vui khi những em bé, các cụ già và người dân đã đón nhận tình cảm của chúng tôi. Thấy các em bé cười trở lại là chúng tôi vui rồi”, chị Hằng nói.

Chứng kiến nỗi đau người chồng mất vợ, người cha mất con…, Nguyễn Thị Thảo, sinh viên tình nguyện đến từ Hà Nội không cầm được nước mắt. “Thiên tai kinh hoàng quá! Không biết khi nào họ mới vượt qua được nỗi đau thương mất mát này…”. Thảo cho biết, nhóm bạn trẻ của Thảo huy động được hơn 10 triệu đồng để mua quần áo, mỳ tôm, đường sữa, bánh kẹo lên cứu trợ giúp bà con. Nhóm lên Mường La từ ngày 7/8, ở lại ăn ngủ ở lán, khiêng vác hàng cứu trợ giúp đỡ bà con.

Hay tin bà con Mường La bị lũ quét, các bạn trẻ của Hợp tác xã Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai (Sơn La) đã tích cực quyên góp ủng hộ bà con, gồm: tiền, xoong nồi, đồ gia dụng và sản phẩm cá khô do HTX chế biến. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no, chúng tôi hy vọng với sự chia sẻ nhỏ nhoi của mình sẽ giúp bà con ấm lòng, gượng dậy sau trận lũ dữ để xây dựng lại cuộc sống”, anh Lù Văn Bình, Phó giám đốc Hợp tác xã nói.

Trưởng ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương trao quà động viên em nhỏ bị thương do lũ quét ở Mường La. Ảnh: Q.L.

“4 tại chỗ” giúp dân

Mấy ngày qua anh Vàng A Lả, Bí thư Tỉnh Đoàn Sơn La luôn tất bật với các kế hoạch triển khai hỗ trợ người dân Mường La. Có hôm anh trở về nhà chỉ kịp thay bộ quần áo rồi lại lên đường. Anh Vàng A Lả cho biết, ngay sau trận lũ xảy ra, Tỉnh Đoàn đã bố trí lực lượng, triển khai kế hoạch giúp người dân khắc phục hậu quả, sẵn sàng ứng phó với diễn biến bất thường của lũ lụt.

Tỉnh Đoàn đã huy động các đội thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích tại tất cả các địa phương, sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn, giúp dân di chuyển đồ đạc, vật dụng tới nơi an toàn. “Chúng tôi chủ động nắm bắt tình hình, tổ chức lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia bảo vệ tài sản của nhà nước, nhân dân với phương châm “4 tại chỗ”: lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ; chỉ huy tại chỗ”, anh Vàng A Lả cho biết.

Chia sẻ thêm về những ngày cứu trợ, chị Đoàn Thị Thảo, Bí thư Huyện Đoàn Mường La cho biết, Huyện Đoàn đã huy động ĐVTN các xã lân cận như: Hua Trai, Mường Trai, Mường Chùm, Mường Bú, Tạ Bú…về nơi rốn lũ để cùng lực lượng chức năng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, tiếp tế lương thực cho bà con đang bị chia cắt giao thông.

“Chúng tôi đang phối hợp với các lực lượng khác dọn dẹp các trường học, làm các nhà tạm để học sinh có chỗ học trong năm học mới. Đồng thời thanh niên tình nguyện giúp đỡ người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường. Hoạt động tình nguyện sẽ được triển khai thực hiện đến khi nào cuộc sống của bà con ổn định mới thôi”, chị Thảo cho biết.

Trước đó, chiều 8/8, đoàn công tác của T.Ư Đoàn do Trưởng ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương làm trưởng đoàn đã tới thăm hỏi và trao nhiều phần quà có giá trị cho các hộ dân bị thiệt hại và đội thanh niên tình nguyện hoạt động ở vùng lũ quét trên địa bàn huyện Mường La.

(Còn nữa)

“Chúng tôi đang phối hợp với các lực lượng khác dọn dẹp các trường học, làm các nhà tạm để học sinh có chỗ học trong năm học mới. Đồng thời thanh niên tình nguyện giúp đỡ người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường. Hoạt động tình nguyện sẽ được triển khai thực hiện đến khi nào cuộc sống của bà con ổn định mới thôi”.  

 Chị Đoàn Thị Thảo, Bí thư Huyện Đoàn Mường La

Theo thống kê mới nhất, lũ quét tại huyện Mường La đã làm 15 người chết, 5 người mất tích, 17 người bị thương, 375 ngôi nhà bị thiệt hại. Ước thiệt hại đã lên tới hơn 660 tỷ đồng. Nguyên nhân ban đầu được cho là do mưa lớn, mưa nhiều làm nhão đất đá đồi núi; tầng trên của rừng núi cũng “no” không còn khả năng giữ nước gây áp lực lớn cho suối Nặm Păm ở Mường La. Một số ý kiến cho rằng có thể một thủ phạm khác gây ra là do các dự án thủy điện? Theo thống kê, hiện có hơn 20 dự án thủy điện được xây dựng ở Mường La... đã “ăn” vào nhiều diện tích rừng, dẫn đến rừng không còn khả năng tích nước.