Dấu hiệu trẻ bị viêm não, cha mẹ cho đến viện khám ngay kẻo ‘muộn’

TPO - Đang vào mùa viêm não, các bác sĩ khuyến cáo nếu trẻ sốt cao, co giật, nôn vọt không liên quan đến bữa ăn và có dấu hiệu rối loạn ý thức, cha mẹ cần cho con đến ngay cơ sở y tế vì đó là dấu hiệu của viêm não, rất nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.
Ảnh minh họa: Internet

TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi TƯ cho biết, từ đầu năm đến nay, Trung tâm tiếp nhận gần 100 trường hợp trẻ bị viêm não, trong đó có 2 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản, còn lại viêm não do herpes, virus khác. Tuy nhiên, cha mẹ cần hết sức cảnh giác vì mùa hè là mùa cao điểm của viêm não Nhật Bản (tháng 5-7).

Tại nhiều nước, đặc biệt là các nước phát triển, viêm não do virus herpes chiếm hàng đầu. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây cũng nổi lên nhiều bệnh nhân viêm não do herpes, tuy nhiên số liệu phân tích và nghiên cứu cho thấy viêm não Nhật Bản vẫn đứng hàng đầu.

“Điều đáng nói trong những năm gần đây ghi nhận bệnh ở một số trẻ lớn, tình trạng nặng. Qua khai thác, hầu hết trẻ đều chưa tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ. Có trường hợp trẻ lớn tuổi đã tiêm 3 mũi nhưng chưa tiêm nhắc lại”,TS Lâm nói.

Theo TS Lâm, thường sau khi tiêm đủ ba mũi phòng viêm não Nhật Bản, trẻ phải tiêm nhắc lại 3-5 năm cho đến khi 15 tuổi. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp đã lớn lại bỏ qua mũi tiêm nhắc lại này.

BS Lâm cũng chỉ ra những dấu hiệu để cha mẹ phân biệt được giữa sốt virus với sốt do viêm màng não. Theo đó, sốt virus có triệu chứng sốt, nôn, đau đầu. Nhưng sốt do viêm màng não thường sốt rất cao, cấp tập 1-2 ngày, đau đầu nhiều, thường nôn vọt không liên quan đến bữa ăn. Thêm nữa, trẻ viêm não cũng kèm theo rối loạn ý thức từ ngủ gà, lơ mơ, li bì, thậm chí hôn mê.

“Tùy mức độ rối loạn ý thức của bệnh nhân mà thể hiện bệnh nặng hay nhẹ. Những di chứng của viêm não virus nói chung rơi vào 25-40%, nặng khiến trẻ mất chức năng vận động, nằm tại chỗ và gần như phải có người chăm sóc suốt đời, nhẹ là động kinh, điếc, kém giao tiếp.

Những trẻ có biểu hiện co giật, liệt khu trú để lại di chứng nặng nề hơn. Với di chứng nhẹ, sau đó trẻ có thể phục hồi nhưng với di chứng nặng, nếu trẻ có thể phục hồi thì cũng chỉ đạt được mức độ trẻ tự phục vụ sinh hoạt cá nhân”- BS Lâm cảnh báo

Hiện nay, có khoảng 50-60% ca viêm não có thể xác định được căn nguyên, còn lại tới 40% không tìm ra nguyên nhân. Di chứng cao nhất hiện nay gặp là di chứng trong viêm não herpes và viêm não Nhật Bản. Tỷ lệ tử vong do viêm não là 5-7%.

Với viêm não herpes, hiện đã có thuốc điều trị, nên nếu bệnh nhi đến sớm sẽ được điều trị tốt nhất, hạn chế tối đa di chứng. Với viêm não Nhật Bản, hiện chưa có thuốc đặc trị đặc hiệu nhưng đã có vắc xin phòng bệnh, vì thế cần cho trẻ đi tiêm chủng đúng và đủ thời gian.

Dấu hiệu viêm não ở trẻ nhỏ

Dấu hiệu viêm não giai đoạn khởi phát. Ở giai đoạn khởi phát viêm não, trẻ có các dấu hiệu phổ biến như:

Sốt liên tục nhiều ngày, có lúc sốt cao lên đến 39 - 40 độ C; Nhức đầu, cứng cổ; Trẻ mệt mỏi, tay chân chậm chạp, bỏ ăn, người không có sức; Buồn nôn hoặc nôn ói

Ngoài ra, trẻ có thể thêm một số triệu chứng như: tiêu chảy hoặc táo bón; ho, sổ mũi; phát ban mẩn đỏ ở lòng bàn tay, lòng bàn chân...

Dấu hiệu viêm não giai đoạn toàn phát

Giai đoạn toàn phát là giai đoạn bệnh đã trở nặng, ở giai đoạn này, trẻ có thêm một số biểu hiện do não bộ bị tổn thương, làm ảnh hưởng đến quá trình điều hòa vận động và tư duy của cơ thể:

Chân tay cử động khó, tê liệt chân tay hoặc liệt nửa người; Khó thở; Trẻ sốt li bì, người lơ mơ, hôn mê; Trẻ bị ảo giác, nghe không rõ; Trẻ bị co giật

Dấu hiệu viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản là một trong số các bệnh viêm não phổ biến và nguy hiểm hiện nay, nhất là với trẻ nhỏ. Dấu hiệu viêm não Nhật Bản ở trẻ nhỏ thường khó phát hiện hơn ở người lớn. Ngoài các biểu hiện cơ bản của viêm não kể trên, trẻ dưới 12 tháng bị viêm não Nhật Bản có dấu hiệu thóp phồng, trẻ khóc không thể dỗ nín, đặc biệt khóc to hơn khi được bế lên.

Chế độ ăn cho trẻ bị viêm não

Cho trẻ uống nhiều nước. Nếu trẻ vẫn đang bú mẹ thì nên tăng lượng bú và cữ bú trong ngày. Nếu trẻ bỏ bú thì nên vắt sữa và đút thìa cho trẻ. Chú ý đút từ từ vì trẻ bị viêm não rất dễ bị sặc và trớ.

Cho trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả, các loại thực phẩm chứa nhiều muối khoáng và vitamin.

Cho trẻ ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa, tránh để trẻ bị đầy bụng, khó tiêu, táo bón

Cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày để bổ sung năng lượng, đảm bảo cung cấp đủ 50 - 60 Kcal/kg/ngày.