Đất Thạch Thất, Hà Nội tăng từng giờ: Cẩn trọng cơn sốt ảo

TP - Một số khu vực ở huyện Thạch Thất, Hà Nội đột nhiên lên “cơn sốt” đất trong tuần qua. 
"Nhà đầu tư" đổ đến thăm quan đất ở Đồng Trúc, Thạch Thất, Hà Nội ảnh: H.M

Mấy ngày nay, dọc tuyến đường chính khu giãn dân Quan Sai, xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội (gần khu Công nghệ cao Hòa Lạc), liên tục xuất hiện những hàng ô tô dài và hàng trăm người tụ tập mua bán đất.

Khu đất tạo nên cơn sốt ở khu vực này thuộc dự án đất giãn dân, đã được cấp sổ đỏ. 
Anh Thành (môi giới bất động sản) đang “chốt” hợp đồng một khu đất 110m2 với giá 950 triệu đồng với khách. Theo anh Thành, tính ra mỗi m2 đất thổ cư chưa đến 9 triệu đồng/m2 là rất hợp lý trong thời điểm này.“Đây là khách đặt cọc trước nên mới có giá như thế, giờ sang tay ngay cũng bán được 10 triệu đồng/m2”, anh này nói.  

Ở một lô đất khác cùng trục đường, chủ đất ra giá 10 triệu đồng/m2, lô đất có diện tích 210m2, mặt tiền 10m.

Nhiều lô đất trục đường chính này thứ 6 tuần trước giá chỉ khoảng 6 - 8 triệu đồng/m2 nhưng sau vài ngày đã tăng đến 9 - 12 triệu đồng tùy vị trí. Có những vị trí đẹp giá có thể lên tới 15 triệu đồng/m2.

Không chỉ có xã Đồng Trúc, các xã được nói là sẽ có “đại dự án” đều được rao bán với giá tăng theo giờ như: Đồng Xuân, Yên Bình… Ở huyện Quốc Oai có các xã Phú Cát, Hòa Thạch, khu tái định cư Vai Réo…

Ông Nguyễn Đức Canh, (Sàn giao dịch BĐS Thạch Thất) cho rằng Hòa Lạc có cơ sở hạ tầng hoàn thiện, có khu Công nghệ cao Hòa Lạc do đó đây là vùng đất tiềm năng. Mức giá hiện nay là phù hợp với những người có tiền nhàn rỗi. Tuy nhiên, nếu môi giới găm hàng đẩy giá cao rất có thể tạo cơn sốt ảo.

Cẩn trọng với cơn sốt ảo

Ngày 24/3, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Nghi, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Trúc cho biết, ngay trong sáng cùng ngày xã đã tổ chức một tổ để giải tán các đám đông tụ tập mua bán đất. Nhiệm vụ thứ nhất để đảm bảo an ninh trật tự, tránh hiện tượng làm giá cò mồi, thứ hai là để tránh tụ tập đông người mùa dịch.

“Xã khẳng định đây là cơn sốt ảo, chủ yếu do “cò” đất từ nơi khác về thổi giá, bơm giá, làm náo loạn. Bản thân chính quyền xã chưa nhận được bất cứ văn bản chính thức nào liên quan đến dự án, quy hoạch nào mới”, lãnh đạo xã nói.

Trước đó, tại khu vực xã Liên Trung huyện Đan Phượng (Hà Nội) cách đây vài tháng cũng xôn xao sốt đất khi tại đây có một dự án lớn của Tập đoàn Vingroup. Giá đất nền tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần. Đất mặt tuyến đường liên xã có vị trí áp sát dự án lên tới 60-80 triệu/m2. Tuy nhiên sau cơ sốt đất, dự án vẫn chưa triển khai gì nên nhiều người đã phải ngậm đắng nuốt cay bán ra vì dùng vốn vay ngân hàng, lãi cao. Nhiều sàn môi giới thuê mặt bằng giá cao đã phải đóng cửa hoặc cho thuê lại một phần nhằm giảm chi phí.

Thời gian qua, không ít cơn sốt đất ở các khu vực ngoại thành Hà Nội đã diễn ra. Gần nhất là thông tin 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025, riêng Hoài Đức sẽ lên quận vào năm 2020.

Ngay sau thông tin này được đề xuất, giá bất động sản tại các huyện này đã liên tục có biến động lớn. Giới đầu tư và “cò” đất tích cực hâm nóng lại các giao dịch bằng nhiều chiêu như tung tin tăng giá, thực hiện các giao dịch ảo… đẩy giá bất động sản tăng chóng mặt, có những nơi giá rao bán đất cao gấp từ 2 - 3 lần so với thời điểm vài năm trước đó. Cơn sốt bùng lên và kéo dài trong chưa đầy 2 tháng.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhận định việc sốt đất trong trường hợp này là điều có thể xảy ra do tâm lý muốn đi tắt, đón đầu của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, cũng theo ông Đính, việc tăng giá quá cao, tức từ mức 30% trở lên, trong thời gian ngắn là dấu hiệu của sốt ảo.

“Các cơn sốt ảo đẩy giá đất lên cao hơn so với giá trị thực. Một số nhà đầu tư không tỉnh táo hoàn toàn có thể mắc cạn trong các cơn sốt. Chúng ta có thể nhìn thấy bài học từ các cơn sốt ở Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong hay gần hơn là Đông Anh, Hoài Đức trong những năm qua. Khi giá đất đã vượt quá xa giá trị thực, người mua cuối cùng hoàn toàn có thể mắc cạn khi lô đất không thể thanh khoản”, ông Đính nói.

*Đầu tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Vingroup – Công ty CP có văn bản gửi UBND huyện Thạch Thất đề xuất tham gia thực hiện 2 khu đô thị dự kiến là 200 ha nằm giáp Khu công nghệ cao Hòa Lạc và 300 ha nằm giáp với huyện Quốc Oai, cách đại lộ Thăng Long 500 m…
Sau khi văn bản này được công khai, giá đất tại huyện Thạch Thất bắt đầu tăng, nhất là ở những vị trí gần với các khu đô thị mà Tập đoàn Vingroup đề xuất thực hiện.