Quý II/2019, dự một lễ mở bán đất nền tại TP Phan Thiết, Bình Thuận, bà Thy bị thuyết phục vì viễn cảnh tươi sáng của hạ tầng có thể đẩy giá đất tăng cao trong tương lai nên quyết định đầu tư 2 lô. Khách ngỏ ý muốn xem các thủ tục pháp lý, giấy tờ liên quan mới xuống tiền nhưng môi giới cam kết đây là dự án đầy tiềm năng, chủ đầu tư uy tín và thúc đẩy ký hợp đồng cọc trong lễ mở bán.
Một ngày sau khi đóng tiền cọc, bà Thy tranh thủ đi khảo sát thực tế mới hay dự án còn trên giấy. Hơn nữa, khu vực dự án tọa lạc hiện là đất trồng rừng. Song, khi khách hàng liên hệ đòi lại tiền cọc thì được giải thích dự án đang trong quá trình bổ sung hồ sơ, sẽ hoàn chỉnh pháp lý trong thời gian nhanh nhất. Hợp đồng cọc có điều khoản thanh toán tiền theo tiến độ, vì vậy, nếu bỏ giữa chừng khách sẽ mất tiền đặt cọc.
Lâm cảnh tiến thoái lưỡng nan, hủy bỏ thì mất tiền đặt cọc, đóng tiền để theo tiếp dự án thì quá bất an, bà Thy quyết định buông suất đầu tư này. "Tôi đành bỏ ngang, mất trăm triệu rất xót của nhưng còn hơn theo tiếp có thể mất bạc tỷ", bà Thy nói trong tiếc nuối.
Trung tuần tháng 7/2019, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có kiến nghị hàng loạt giải pháp chấn chỉnh tình trạng phân lô bán nền trái pháp luật, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến nguy cơ và rủi ro cho khách hàng khi đặt cọc số tiền quá lớn để mua nền đất.
HoREA cho biết, trên thực tế, hành vi đặt cọc được giải thích trong Bộ Luật Dân sự nhằm mục đích đảm bảo giao kết trước thời điểm ký hợp đồng nhưng không có chế tài mạnh khi rủi ro xảy ra trong quá trình đặt cọc. Mặt khác, các quy định chuyên ngành là Luật Kinh doanh Bất động sản không có quy định về "đặt cọc" là điểm bất cập đáng lưu ý vì đây là lỗ hổng quá lớn.
Lợi dụng kẽ hở này của pháp luật, các đầu nậu bán đất nền hình thành trong tương lai trái pháp luật, sử dụng các phương thức như: thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ; thỏa thuận góp vốn; thỏa thuận hợp tác đầu tư... với giá trị đặt cọc lớn, gây rủi ro cho khách hàng.
Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Tấn Phong đánh giá, trong giao dịch bất động sản, ngoài hợp đồng mua bán có giá trị cao nhất, vẫn còn rất nhiều thoả thuận cần phải thực hiện. Một trong những khâu quan trọng không nên qua loa là việc thỏa thuận đặt cọc. Nếu thỏa thuận cọc "không đủ" chặt chẽ, rất dễ dẫn đến hậu quả khó lường. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là phần đông khách hàng, nhà đầu tư đều ít nhận thức được việc này sớm.
Ông Phong cho biết thêm, đối với nền đất dự án, thông thường các hợp đồng cọc đã được bên bán soạn sẵn từ trước, ít xảy ra đàm phán thỏa thuận đặt cọc như mua nhà phố riêng lẻ. Trường hợp người mua ký hợp đồng cọc vội vàng trong thời gian ngắn, chưa kiểm tra pháp lý cặn kẽ, thiếu sự cân nhắc các điều khoản trong hợp đồng cọc này, nhiều khả năng có thể bị ép mất tiền cọc nếu bỏ giao dịch giữa chừng hoặc chôn vốn rất lâu.