Đằng sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe

TPO - Lo ngại bị gạt ra ngoài cuộc chơi trong "ván cờ" hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên là mục đích chính khiến Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sang thăm Mỹ ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 và cuộc gặp lần đầu tiên trong lịch sử giữa ông Trump và ông Kim Jong-un dự kiến vào cuối tháng 5 tới.

Nhật Bản ấn định ngày ông Abe sang Mỹ

Trong cuộc gặp với các nghị sỹ đảng cầm quyền hôm 2/4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố kế hoạch chuyến thăm Mỹ sắp tới.

Theo Thủ tướng Abe, trong chuyến thăm ông sẽ đề nghị Tổng thống Trump thảo luận các vấn đề liên quan tới việc các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên sắp tới.

Trước đó, cũng trong ngày 2/4, Nhà Trắng ra thông báo, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào ngày 17-18/4 tới để thảo luận về cuộc gặp thượng đỉnh được lên kế hoạch từ trước giữa nhà lãnh đạo Mỹ với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, cũng như các vấn đề khác. 

Thông báo cho biết, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật sẽ gặp nhau tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống Trump ở Florida, nơi họ sẽ "thảo luận chiến dịch quốc tế duy trì sức ép tối đa đối với Triều Tiên".

Ngoài ra, trong cuộc gặp thượng đỉnh lần này, Thổng thống Trump và Thủ tướng Abe cũng sẽ "tìm ra các cách thức mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư công bằng và có qua có lại" giữa Mỹ và Nhật Bản. 

Lo ngại bị loại khỏi cuộc chơi trên Bán đảo Triều Tiên?

Các nhà phân tích cho rằng, lo ngại bị gạt ra ngoài cuộc chơi trong "ván cờ" hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên là mục đích chính khiến Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thăm Mỹ và có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4 và cuộc gặp lần đầu tiên trong lịch sử giữa ông Trump và ông Kim Jong-un dự kiến vào cuối tháng 5 tới.

Từ trước tới nay, Nhật Bản vẫn duy trì lập trường cứng rắn trong đàm phán với Bình Nhưỡng liên quan tới vấn đề hạt nhân Triều Tiên do lo ngại bị chính quyền Bình Nhưỡng trả đũa. Tuy nhiên, một loạt các động thái giữa các nước liên quan trong vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên bao gồm chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh, cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 ngày 27/4 và cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un dự kiến vào cuối tháng 5, đã buộc chính quyền Tokyo phải suy xét lại quan điểm của mình nếu không muốn một lần nữa bị loại khỏi cuộc chơi.

Trước đó Hãng tin Kyodo của Nhật Bản ngày 1/4 dẫn nguồn tin từ nhiều quan chức ngoại giao Trung-Mỹ tiết lộ, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Trump hôm 9/3 tức là chỉ sau đúng 1 ngày nhà lãnh đạo Kim Jong-un đề xuất về một cuộc gặp thượng đỉnh với ông Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất xây dựng Khung an ninh mới gồm 4 quốc gia Trung-Mỹ-Hàn-Triều, trên cơ sở đó tiến hành đàm phán ký kết Hiệp định hòa bình giữa 4 quốc gia.

Cơ chế duy nhất được cộng đồng quốc tế thừa nhận trong giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên đó là cơ chế đàm phán 6 bên, bao gồm: Mỹ-Trung-Triều-Hàn-Nhật-Nga.

Tuy nhiên, cơ chế này đã bị đình chỉ vào năm 2009 do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân quan trọng nhất đó là sự xung đột lợi ích giữa các bên tham gia.

Hãng tin Kyodo cho biết thêm, Tổng thống Trump vẫn chưa thể hiện thái độ rõ ràng đối với đề xuất của ông Tập Cận Bình.

Thực tế, kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, Thủ tướng Nhật Abe luôn cảm thấy "bị choáng váng" trước sự thay đổi chóng mặt của ông Trump trong vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên và một loạt phát ngôn gây sốc của ông liên quan tới việc Bình Nhưỡng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể bắn tới lãnh thổ Mỹ.

Như vậy, nếu những tin tức mà Hãng tin Kyodo của Nhật Bản tiết lộ là đúng thì nguy cơ Nhật Bản bị gạt ra ngoài cuộc chơi trên Bán đảo Triều Tiên là hoàn toàn có cơ sở.