Dân sống chung với nước thải

TP - Do tốc độ đô thị hóa nhanh, ao hồ bị san lấp, không ít xã ngoại thành Hà Nội nước thải bị ứ đọng, bốc mùi. Sau mỗi trận mưa, nước thải lại dềnh lên, tràn vào nhà dân, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Rãnh thoát nước ứ đọng rác, cặn bã, ô nhiễm nặng Ảnh: T.V
Rãnh thoát nước ứ đọng rác, cặn bã, ô nhiễm nặng. Ảnh: T.V.

Nơi ứ đọng, nơi tràn ra đồng

Đi trên đường làng ở xã Cát Quế (Hoài Đức, Hà Nội), mùi nước thải bốc lên từ cống rãnh hai bên đường hôi thối. Bà Đỗ Thị Dung, ở đội 1, xã Cát Quế cho biết: “Gần cổng nhà tôi, nước thải ứ đọng dưới rãnh lâu ngày mà chưa có ai khai thông, nước thải lẫn rác đặc sệt, màu đen ngòm, môi trường ô nhiễm, ở đội 1, nước thải ở các khu dân cư trong xã đều đổ dồn về đây, chất thải lâu ngày kết thành khối, đóng thành tảng nổi lềnh phềnh, mùi nồng nặc”.

Theo ông Nguyễn Danh Ngọ - Chủ tịch UBND xã Cát Quế, xã hiện có 16.300 khẩu, 1.300 hộ. Người dân trong xã có nghề chế biến tinh bột sắn, miến dong, nha, kẹo, chăn nuôi… nên lượng nước thải hằng ngày chảy ra mương, cống tương đối lớn.

Hệ thống mương cống ở thôn Tiên Tân, xã Hồng Hà (Đan Phượng) cũng rơi vào cảnh tương tự. Hiện nay, ở nhiều huyện ngoại thành, kể cả những xã không có nghề phụ, làm nông nghiệp thuần túy dân cũng đang lo lắng về vấn đề nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi.

Nhiều xã không có nơi chứa nước thải nên đều đổ ra hồ giữa làng. Vì thế, có những hồ trước đây trong xanh, trẻ em có thể tập bơi, nay nước chuyển sang màu đen giống nước sông Tô Lịch.

Có những nơi do đầu ra nên nước thải được đổ ra cánh đồng. Một người dân ở làng Lưu Xá, xã Đức Giang cho biết, nước thải chảy từ làng Giang, qua làng Lưu Xá, rồi đổ ra đồng. Khu cánh đồng (gần trường học xã Đức Giang) trở thành nơi chứa nước thải của mấy thôn trong xã. Tại khu đất này, khoảng hơn 10 năm nay, người dân không cấy được lúa.

Ngập vì lấp ao hồ

Ông Nguyễn Danh Ngọ - Chủ tịch UBND xã Cát Quế cho biết: “Hiện nay, trong khu dân cư hầu như không còn ao hồ, hiện chỉ có gần 1.000m2 mặt nước ở ngoài đồng (trước làm lò gạch nay thành hồ). Trước đây, nhờ có nhiều ao nên mưa to không sợ ngập, nay do các hộ dân lấp ao làm nhà ở, đường làng bê tông hóa nên mưa to thường gây ngập cục bộ, nhất là khu vực đội 1 và 2, có hộ nước ngập vào nhà 40cm”.

Nhà bà Đỗ Thị Dung, ở đội 1, mỗi trận mưa to, nước thải ngoài cống lại dềnh lên, ngập tới gần thềm nhà. Theo anh Thực ở đội 1, vào mùa mưa dọc tuyến đường xóm nhà anh đều bị ngập 20-30cm, rác thải, bã thải nổi lềnh phềnh… Trên địa bàn huyện Ba Vì, số lượng ao, hồ hiện đã giảm đáng kể.

Theo UBND huyện Hoài Đức, hiện trên địa bàn huyện có tổng lượng nước thải tại cụm điểm công nghiệp và làng nghề khoảng 4.830.720m3/năm, trong đó nước thải làng nghề khoảng 4.651.000m3/năm, tập trung chủ yếu tại các làng nghề như Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế, La Phù.

Toàn bộ lượng nước thải trên chưa qua xử lý được xả thải vào hệ thống kênh tiêu T2, T5, T3A, T3B chảy vào sông Nhuệ, sông Đáy. Chất lượng nước thải các làng nghề chế biến nông sản có đặc điểm là nồng độ các chất ô nhiễm hữu cơ cao hơn tiêu chuẩn nước thải công nghiệp từ vài chục tới vài trăm lần.

Hơn ba tỷ dân đô thị đối mặt với thiếu nước

Đó là thông điệp được đưa ra tại buổi công bố chủ đề Ngày Nước Thế giới năm 2011 “Nước cho phát triển đô thị”, do Bộ Tài nguyên & Môi trường tổ chức ngày 10-3.

Theo điều tra của Liên hợp quốc công bố tại hội thảo, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, dân số sinh sống tại các đô thị trên toàn thế giới đã lên tới con số kỷ lục 3,3 tỷ người và hiện số dân này đang đối mặt với thiếu nước do nguồn nước suy giảm, mực nước sông hạ thấp, nhiều hồ, ao, kênh, mương bị san lấp.

Dự báo trong vòng hai thập kỷ tới, 60% dân số (khoảng 5 tỷ người), sẽ trở thành cư dân đô thị. Cứ mỗi tháng lại có thêm 5 triệu người đến sống ở các đô thị. Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến năm 2025, số người không có nước sạch sinh hoạt sẽ tăng gấp 3 so với mức gần 1 tỷ người hiện nay.

Lễ mít tinh quốc gia Ngày nước Thế giới 22-3 sẽ diễn ra tại Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, nơi đang phải đối mặt với khô hạn do thiếu nước nghiêm trọng.

Theo Báo giấy