- Ông đi xe gì về thế?
- Tôi đi taxi/Tôi đi xe ôm.
- Thế thì tôi cũng để xe lại, bắt xe ôm về.
Đó là đoạn hội thoại tại một quán nhậu trên đường Bến Vân Đồn (phường 6, quận 4), sau khi nhóm 4 người đàn ông kết thúc bữa "chén chú chén anh" khoảng 21h thứ hai đầu tuần.
Người đàn ông bàn giao gửi xe máy của mình xong, trong khi đứng đợi xe ôm công nghệ thì phóng viên tiến ra bắt chuyện. Người này có vẻ tỉnh táo, mặt không đỏ.
"Cũng sợ công an bắt phạt chứ. Đi xe ôm có vài chục nghìn còn hơn bị phạt mấy triệu", người này nói với phóng viên.
"Có tâm" với khách nhậu
Cách đây gần một năm, tại một quán nhậu món dê trên đường Trần Lựu (phường An Khánh, TP Thủ Đức) mà phóng viên thường ghé, quan sát trên các cột, tường có ai đó đã dán những dòng thông tin "Uống say gọi tôi" kèm số điện thoại.
Vài tháng nay, cơ sở ăn nhậu này chuyển chỗ, nằm ở một đường khác cách địa chỉ cũ khoảng 1km, nhân viên quán đoán rằng người dán thông tin đó chưa biết quán chuyển chỗ nên chưa đến lại. Chủ quán cung cấp thông tin: Số điện thoại đó của người trên một hội tên là "Bạn uống tôi lái", cung cấp dịch vụ người lái xe hộ (xe máy lẫn ô tô) và đưa xe đến đón khách nhậu.
Nhân viên quán dê ở TP Thủ Đức, TPHCM
Thử gọi điện cho một tài xế của hội này trên mạng xã hội, phóng viên được hỏi cung cấp địa chỉ quán nhậu và địa chỉ cần đến, thời gian cần đón, sau đó thỏa thuận chi phí. Với khoảng cách hơn 10km, tài xế ô tô đề nghị mức giá khoảng 300.000 đồng. So sánh với các ứng dụng gọi xe khác, mức giá này không chênh lệch nhiều.
"Chị ở gần hơn thì em đến lái xe hộ luôn, xe máy hay ô tô cũng được", tài xế này giới thiệu.
Không chỉ quán dê này, tại nhiều quán nhậu, nhà hàng ở TPHCM, nhân viên hay người giữ xe của khách cũng đảm nhận vai trò "cò" xe đưa rước khách với tinh thần vui vẻ, tự nguyện.
"Người ta đến quán ăn uống thì mình khuyến mãi gọi xe cho họ. Khách vui, khách tỉnh "bo" cho mình mấy đồng, không có thì mình vẫn thoải mái. Mình nghe tin tai nạn chết người rất sợ, không muốn người khách mình vừa tiễn khỏi quán cũng xảy ra không may", bảo vệ của quán bar trong hẻm trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1) tâm sự.
Theo khảo sát của phóng viên, tỷ lệ lượng khách bước ra từ cơ sở kinh doanh ăn uống gọi taxi hoặc xe ôm tại các nhà hàng, quán ăn cao cấp nhiều hơn, so với các quán nhậu bình dân. "Chưa say", "tiếc tiền" và "nhà gần" là các lý do khách nhậu bình dân đưa ra cho việc ít sử dụng xe dịch vụ đưa về, thay vào đó là tự lái xe về nhà.
Song, những năm gần đây, khi lực lượng chức năng TPHCM ra quân xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện giao thông, những lý do trên đối với không ít dân nhậu trở nên vô nghĩa.
Trong một lần theo Đội CSGT Rạch Chiếc (TP Thủ Đức), phóng viên phỏng vấn một người vi phạm nồng độ cồn mức 0.641 mg/l bị lập biên bản xử phạt 7 triệu đồng, thu giữ giấy phép lái xe 23 tháng.
Anh này cho biết thu nhập hàng tháng của bản thân khoảng 8-10 triệu đồng, chi cho tiền thuê nhà, sinh hoạt đã gần hết. Thời điểm bị xử phạt, anh chỉ còn 2 triệu đồng trong túi, lo lắng nghĩ cách lo tiền đóng phạt.
"Nhà gần, nhưng tôi chủ quan không về cất xe rồi đi xe ôm, bị phạt xong tôi rất hối hận. Thật không đáng", anh này lo đến nỗi mắt rưng rưng.
Dân nhậu đã có ý thức hơn
"Mấy ông bạn ai cũng ý thức thế kia thì tôi cũng làm theo, không thì cũng "quê" (ngại) với mấy ổng. Nhà tôi quận 7 cách đây 4km, tầm này nhiều xe container chạy, thôi thì đi xe ôm cho an toàn", người đàn ông đầu bài nói thêm với phóng viên trước khi ngồi lên xe ôm.
Hơn một tháng qua, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TPHCM (PC08) phối hợp Đội CSGT-TT công an các quận, huyện, TP Thủ Đức, tổ chức thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn bằng nhiều hình thức như lập chốt, tuần tra lưu động...
Theo PC08, 9 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện 93.507 trường hợp vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện lưu thông trên đường, trong đó có 421 trường hợp ô tô và 93.086 xe máy; tước giấy phép lái xe hơn 93.500 trường hợp…
Cán bộ Đội CSGT Nam Sài Gòn (PC08)
Mức phạt nhẹ nhất cho người uống một lon đã là hơn 2 triệu đồng, bị giữ xe một tuần, bị giữ giấy phép. Phần lớn dân nhậu sau khi bị phạt hoặc sau khi biết thông tin này, đã có sự dè chừng với hành vi chủ quan lái xe sau khi uống bia, rượu vì mức phạt "tốn kém quá".
Theo CSGT, nhiều trường hợp "bi hài" diễn ra tại các chốt xử phạt vi phạm nồng độ cồn.
Có đôi nam nữ đi ăn tiệc uống 1-2 ly rượu vang chở nhau về, bị CSGT bắt, người bạn gái bỏ đi giả vờ không quen biết bạn trai. Cũng có đôi dữ dằn hơn, bạn trai vì "sĩ gái" đã to tiếng với CSGT, tỏ ra bất hợp tác.
Nhưng cuối cùng đều bị xử phạt, đôi nam nữ đường ai nấy đi mỗi người gọi một xe ôm đi về. "Sau đó không biết tình cảm họ ra sao", một CSGT kể lại trong lúc giải lao.
"Đối tượng vi phạm nồng độ cồn là phụ nữ cũng có. Nhưng tỷ lệ bị phát hiện ít hơn, cũng do anh em CSGT có phần không để ý kỹ vì các chị em thường che chắn kín", một CSGT từng chia sẻ với phóng viên.
CSGT TPHCM: Tích cực tuyên truyền, không chỉ xử phạt
Từ 30/8 đến 25/9, các tổ công tác của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã triển khai việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông ở nhiều địa phương, trong đó có xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn trên toàn quốc.
Theo đó, lực lượng chức năng các địa phương đã trực tiếp kiểm soát hơn 100.000 phương tiện, phát hiện và bàn giao cho công an các đơn vị địa phương lập biên bản xử lý hơn 3.400 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Trong số này có 160 trường hợp vi phạm là đảng viên, công chức, viên chức, công an, bộ đội đang công tác hoặc đã nghỉ hưu...
Trước đây, hồi tháng 6-9/2022, lực lượng PC08 TPHCM đã ra quân cùng các đội và trạm của đơn vị phối hợp Công an các quận, huyện, TP Thủ Đức, tới các cơ sở có kinh doanh rượu, bia, nhà hàng, quán nhậu… để tuyên truyền, triển khai cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Các đội CSGT đã treo băng rôn nội dung "không lái xe sau khi uống rượu bia" tại vị trí trong quán và bãi trông, giữ xe của quán, đồng thời phát tờ rơi tuyên truyền về các mức vi phạm với người điều khiển ô tô, xe máy khi sử dụng rượu bia cho chủ quán, nhân viên và khách.
Thời điểm đó, không ít chủ quán tỏ ra bất ngờ khi thấy lực lượng CSGT đến tuyên truyền. Song, sau cùng, tất cả đều đồng tình, ký cam kết chấp hành nghiêm và sẽ thuyết phục khách say xỉn đón xe ôm, taxi về nhà để đảm bảo an toàn.
Công an TPHCM cũng đề nghị các cơ sở kinh doanh ăn uống thông báo cho lực lượng CSGT xử lý các trường hợp đã sử dụng rượu, bia cố tình điều khiển phương tiện.
Từ đó đến nay, nhiều chủ quán cho biết sẽ nhắc nhở khách và dặn dò nhân viên khuyến cáo khách hàng sử dụng phương tiện đưa đón khi đã sử dụng rượu bia. Các quán cũng hỗ trợ giữ xe qua đêm, gọi xe cho khách về sau cuộc nhậu.
Theo PC08, dù Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã tăng mức xử phạt đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn, các vi phạm về lỗi này còn diễn ra nhiều, để lại những hậu quả nặng nề.
CSGT gợi ý, hiện nay đã có rất nhiều các hình thức di chuyển như taxi, xe công nghệ cho người dân sử dụng sau mỗi cuộc nhậu, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình, cũng như góp phần phòng ngừa, hạn chế được các vụ tai nạn giao thông không đáng có liên quan đến "ma men".
Theo kinh nghiệm của một người phụ nữ thường xuyên có các "kèo" nhậu ở thành phố chia sẻ, mỗi khi đi nhậu ở khu vực ven sông dọc bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) hoặc phía TP Thủ Đức có các chặng buýt sông đi qua, chị sẽ tận dụng loại phương tiện này. "Từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến khu trên, nhậu xong lên buýt sông ngược về quận 1 rồi bắt xe ôm về, đỡ tốn tiền hơn và được ngồi ghế dựa thoải mái, thoáng mát", người này gợi ý.
Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP đối với vi phạm lỗi nồng độ cồn của người điều khiển xe máy, mức xử phạt từ 2 đến 8 triệu đồng, giấy phép lái xe tước từ 10 tháng đến 24 tháng, tạm giữ phương tiện đến 10 ngày làm việc.