> Xây nhà máy chậm, dân nghèo thêm
Dân mất lòng tin
Tại hội thảo phát triển nhiên liệu sinh học bền vững ở Việt Nam do Bộ Công Thương phối hợp PVN tổ chức ngày 24-10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, ông Hoàng Công Thủy cho biết, dự án nhà máy ethanol tại huyện Tam Nông đến nay mới triển khai được khoảng 80%.
Tỉnh đã cam kết cùng chủ dự án cung cấp vùng nguyên liệu với diện tích 8.000 ha (Tiền Phong đã có loạt bài “Dân trồng sắn chết theo xăng sinh học”, từ 8 đến 10-10-2012-PV).
Việc nhà máy chậm đi vào hoạt động, kéo theo mất lòng tin của người dân, đặc biệt ở vùng giải phóng mặt bằng phục vụ dự án và người dân 3 huyện nghèo Tân Sơn, Thanh Sơn và Yên Lập.
Có tình trạng, người dân đã bắt đầu trồng nguyên liệu bằng giống sắn KM94 năng suất cao nhưng đầu ra không có nên ngồi trên đống sắn mà khóc. Củ sắn càng to, nỗi buồn của người dân càng lớn.
“Hàng vạn nông dân liên quan đến vùng nhiên liệu phải ngồi khóc trên đống sắn khi trồng ra rồi không biết bán cho ai...”
“Hàng vạn nông dân liên quan đến vùng nhiên liệu phải ngồi khóc trên đống sắn khi trồng ra rồi không biết bán cho ai. Đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương chỉ đạo PVN thực hiện quyết liệt đầu tư hoàn thành dự án và thông báo tiến độ của dự án để tỉnh tuyên truyền lấy lại niềm tin của người trồng sắn. Ngoài ra, dự án nhà máy ethanol có hơn 60% vốn là do các cổ đông bên ngoài nên đề nghị PVN mua lại toàn bộ cổ phần của các nhà đầu tư để đẩy nhanh dự án" - Ông Thủy nói.
Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ông Phùng Đình Thực thừa nhận vấn đề lớn hiện nay là xăng sinh học sản xuất ra nhưng không tiêu thụ được.
Nhà máy không vào đúng tiến độ do các nhà đầu tư chưa muốn bổ sung vốn đầu tư do xăng sản xuất ra nhưng không bán được trong khi càng làm càng lỗ.
Không chỉ ở Phú Thọ, tại Quảng Nam, Quãng Ngãi, hàng ngàn héc ta sắn của dân đang vào mùa thu hoạch cũng bí đầu ra, do nhà máy ethanol Đồng Xanh (Quảng Nam) dừng hoạt động do không bán được sản phẩm và Nhà máy ethanol Dung Quất (Quãng Ngãi) thì mới đang giai đoạn chạy thử sắn khô.
Tuy nhiên, tại hội thảo, cơ quan chức năng và doanh nghiệp đều không đưa ra được giải pháp nào để cứu nông dân trồng sắn, dù vùng sắn nguyên liệu tại các địa phương trên đều được các chủ đầu tư và địa phương quy hoạch, thậm chí phát giống cho nông dân trồng.
Doanh nghiệp nản vì lỗ nặng
Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), ông Lê Xuân Trình cho biết, sau hơn 2 năm đưa sản phẩm ra thị trường, lượng bán ra đạt mức rất khiêm tốn.
Tính đến hết tháng 9-2012, PV Oil có 136 cửa hàng tại 36 tỉnh thành bán xăng sinh học E5. Đến nay mới chỉ có 3 trong số hơn 10 doanh nghiệp đầu mối bán xăng E5 gồm PV Oil, Petec và Saigon Petro.
Trong 9 tháng các doanh nghiệp chỉ bán được khoảng hơn 15.000 m3 xăng E5, bằng sản lượng sản xuất trong 2,5 ngày của một nhà máy Ethanol.
Ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch PVN cho biết: Vừa rồi tập đoàn đã phải xuất khẩu ethanol giá 13.000 đồng trong khi giá thành sản xuất từ 15.000-18.000 đồng, bán cho PVOil là 18.000 đồng/lít.
“Như vậy coi như lỗ vốn. Vậy làm để làm gì. Càng làm càng lỗ thì bỏ tiền ra đầu tư làm gì. Bán trong nước thì không bán được, trong khi chính sách hỗ trợ không có, cái tắc là như vậy”- Ông Thực băn khoăn.
Theo ông Thực, thực tế Nhà nước muốn doanh nghiệp sản xuất nhưng lại không tìm đầu ra cho xăng sinh học, và thả nổi cho nhà đầu tư muốn làm thì làm, không có chính sách hỗ trợ gì thêm.
Trong khi như ở các nước, nhà đầu tư sản xuất xăng sinh học được hưởng nhiều ưu đãi. Ở các nước họ còn hỗ trợ thuế, giảm thuế nhập khẩu thiết bị pha trộn xăng sinh học, có chính sách cho người trồng sắn trong khi ở ta doanh nghiệp không được gì.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Cty cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung, ở Thái Lan có chính sách thương mại riêng để đảm bảo quá trình xây dựng kênh phân phối và có chính sách áp dụng giá sàn cho sắn tương đương 4,5 triệu đồng/tấn sắn khô.
Đặc biệt, giá bán xăng sinh học E5 rẻ hơn so với giá xăng thông thường tới 7 bath (giảm 24% so với xăng thông thường), còn xăng E10 rẻ hơn tới 29% so với giá xăng thông thường.
Ông Nguyễn Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Công Thương, cho biết Bộ Công Thương đã hoàn tất dự thảo về lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học tại Việt Nam.
Theo đó, từ 1-12-2014, xăng sinh học E5 sẽ phải bắt buộc sử dụng trên thị trường Việt Nam và phải được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho các phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố lớn bao gồm: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa- Vũng Tàu.