Dầm mình vớt lộc biển trên đầm Nước Mặn

TPO - Theo nhịp đập lên xuống đập của từng con sóng, những ngày này người dân sống ven đầm Nước Mặn ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi lại rủ nhau đi vớt rong câu (rau câu) để kiếm thêm thu nhập. Buộc sợi dây nối với chiếc thùng xốp nhỏ vào ngang lưng, hành trình của họ bắt đầu.
Dầm mình vớt lộc biển - ảnh Nguyễn Ngọc
Vầng đông vừa ló dạng, những người dân ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi lại í ới rủ nhau xuống đầm Nước Mặn vớt rong câu, người chèo thuyền, kẻ lội bộ. Dụng cụ đơn giản chỉ là chiếc thùng xốp, bao tải để đựng rong và cái dạ dày đủ no để có thể ra đầm dầm mình “dưới nắng trên nước” - ảnh Nguyễn Ngọc 


Mỗi người chọn một hướng, nhưng với kinh nghiệm cứ tìm điểm nào có làn nước màu đen là dừng lại để lặn vớt. Rong câu ở đó nằm từng mảng và dày. Chỉ cần tìm đến 3 đến 4 điểm như vậy là trong ngày đã có “lộc biển” - ảnh Nguyễn Ngọc 

Buộc ngang lưng sợi dây nối với chiếc thùng xốp nổi trên mặt nước, bà Nguyễn Thị Chín, 60 tuổi trú ở thôn Thạnh Đức 1 ngụp đầu xuống nước để vớt mớ rong câu vừa phát hiện. Nhúng rửa sơ mớ rong câu, bà Chín bỏ vào thùng xốp mang theo - ảnh Nguyễn Ngọc 


Hơn nửa đời lặn lội kiếm sống trên đầm Nước Mặn, bà Chín cho biết: “Từ tháng giêng đến hết tháng 5 (âm lịch) hàng năm là thời điểm rong câu vào mùa rộ nhất. Nghề này là ‘lộc’ mà đầm Nước Mặn ban cho, không phải mất công nuôi trồng, chăm sóc. Cứ đến mùa là đi lặn vớt. Năm nay thời tiết thuận lợi rong câu xuất hiện nhiều nhất trong 6-7 năm trở lại đây nên ai cũng phấn khởi” - ảnh Nguyễn Ngọc 


 Trung bình mỗi buổi vớt rau câu kéo dài tầm 3-4 tiếng. Mỗi người có thể vớt được hơn 1 tạ rong câu tươi mang về phơi khô. Với 30 kg rong câu tươi phơi khô ngót lại chỉ còn 1 ký rong câu thành phẩm, mỗi ngày thu được 2-3kg rong khô - ảnh Nguyễn Ngọc 
Theo giá từ 130-150 nghìn đồng/kg rong khô (tùy theo chất lượng) như hiện nay, một người cũng có nguồn thu nhập khoảng trên 200 ngàn/ngày - ảnh Nguyễn Ngọc 
 
Mệt nhọc sau hơn 4 giờ đồng hồ vớt rong câu, kéo 3 bao rong chừng hơn 100kg men theo con nước vào bờ, ông Nguyễn Thu, 40 tuổi trú ở thôn Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh cho biết, mỗi ngày ông đi từ 5 giờ sáng đến 9 giờ - ảnh Nguyễn Ngọc 
Theo ông Thu, rong câu sau khi vớt muốn nó sạch, đẹp màu, ngoài khâu rửa sạch trong nước ngay tại lúc vớt, về nhà còn phải chịu khó trải thành lớp mỏng phơi, trở qua nhiều nắng. Phơi rong câu cũng giống như phơi lúa, không được để mắc mưa, kẻo rong câu rã ra thì coi như mất hết công sức ngụp lặn giữa đầm của mấy hôm trước. Khi vớt lên rong câu có màu đen, phơi khoảng 2 nắng 2 sương thì có màu tím. Lúc chuyển sang màu tím là lúc bắt đầu giặt thêm mấy bận nước cho thật sạch rồi phơi khô. Rong câu thành phẩm có màu vàng nhạt - ảnh Nguyễn Ngọc 
Người dân nơi đây đều cho rằng nhờ đầm mà họ không đói. Nhưng ai muốn bám đầm, thì phải dầm mình trong nước. Số đông những người dầm mình trong nước để nhặt “lộc đầm” ở nơi đây đều đã lớn tuổi - ảnh Nguyễn Ngọc 
 
“Ngâm mình trong nước nhiều ở cái tuổi 60 - 70 này là khá nguy hiểm. Nhiều lúc gặp chỗ rau câu nhiều, ham vớt rất dễ bị ngộp, nguy hiểm tính mạng”, bà Chín chia sẻ.


Rong câu là loại rong biển giàu dinh dưỡng, thường được sử dụng để chế biến thực phẩm như thạch rau câu, nước giải khát,… được người tiêu dùng ưa chuộng. - ảnh Nguyễn Ngọc