Tham dự hội nghị có ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông; đại diện lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh: Đắk Lắk, Trà Vinh, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Hậu Giang, cùng đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Đắk Nông, doanh nghiệp, hợp tác xã các tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, Hội nghị kết nối cung cầu - xúc tiến thương mại giữa tỉnh Đắk Nông với các tỉnh, thành phố năm 2022 là cơ hội lớn để doanh nghiệp của Đắk Nông và các tỉnh bạn trao đổi, giới thiệu năng lực sản xuất, nhu cầu kết nối giao thương về các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Hội nghị lần này cũng là một trong những mục tiêu, giải pháp nhằm liên kết, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa giữa tỉnh Đắk Nông với các địa phương trong thời gian tới.
Ông Yên cũng yêu cầu Sở Công Thương Đắk Nông tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Sở Công thương các tỉnh, thành tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ đắc lực cho hoạt động kết nối cung cầu; kết hợp giữa phương thức phân phối hiện đại - thương mại điện tử và phương thức phân phối truyền thống để đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, chủ động thích ứng với mọi tình huống biến động.
Cùng với đó, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan cần thúc đẩy khai thác phân phối trực tuyến trên các website, các sàn thương mại điện tử, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất, cung ứng mở rộng, tiếp cận kênh phân phối mới, từng bước thực hiện chuyển đổi số.
Sở Công Thương cũng ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm được sản xuất nuôi trồng theo quy trình VietGap, GlobalGap; định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường.
Tại hội nghị, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Đắk Nông đã tập trung thảo luận một số nội dung về: chuyển đổi số đưa sản phẩm của Đắk Nông ra toàn Việt Nam và thế giới. Các chủ đề cũng tập trung vào một số giải pháp nâng cao giá trị của cây bơ và ứng dụng số hóa chuỗi nông sản đối với tỉnh Đắk Nông, giới thiệu vùng nguyên liệu cà phê, ca cao ở Đắk Nông, giải pháp quản lý và khai thác thương hiệu nông sản.
Theo đánh giá của các đại biểu tham dự hội nghị, tỉnh Đắk Nông có điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu phù hợp cho phát triển các loại cây trồng, nhất là các cây công nghiệp, cây ăn quả, hoa màu.
Ngoài các sản phẩm đặc trưng như: cà phê, tiêu, điều, mắc ca, tỉnh còn có nhiều sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao như nấm đông trùng hạ thảo, trà mãng cầu, sô cô la, dầu sachi. Tuy nhiên, các sản phẩm hiện nay vẫn chủ yếu xuất thô, chất lượng chưa cao, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là với thị trường xuất khẩu.
Trong khuôn khổ hội nghị, Sở Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp, doanh nghiệp của tỉnh Đắk Nông và các tỉnh, thành phố đã ký kết 30 bản ghi nhớ hợp tác kết nối tiêu thụ sản phẩm lẫn nhau. Việc ký kết hợp tác nhằm đẩy mạnh và mở rộng hợp tác toàn diện trong tất cả các lĩnh vực công nghiệp và thương mại, tăng cường thông tin, trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực là thế mạnh của mỗi địa phương để bổ sung, hỗ trợ nhau phát triển và cùng tham gia đề xuất xây dựng chính sách, chiến lược phát triển chung.
Theo bản ký kết, tỉnh Đắk Nông sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các tỉnh tại thị trường Đắk Nông; hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của các tỉnh kết nối và thực hiện phân phối hàng hóa vào các điểm bán trong tỉnh Đắk Nông.
Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ mời gọi các nhà phân phối tại địa phương tham gia kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên hợp tác, liên kết kinh doanh, tìm kiếm, khai thác thị trường tiêu thụ hàng hóa và mời gọi các nhà đầu tư của các tỉnh tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật, các dự án năng lượng tái tạo, logictics.
Về phía các tỉnh tham gia ký kết, Sở Công Thương và các đơn vị sẽ thực hiện cung cấp, tổng hợp danh sách các đơn vị cung ứng sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, … để kết nối vào thị trường Đắk Nông. Các địa phương cũng lựa chọn những đơn vị có thế mạnh để giới thiệu và làm đầu mối phối hợp triển khai các nội dung hợp tác. Đồng thời, các tỉnh sẽ có trách nhiệm vận động các nhà đầu tư trong tỉnh tham gia đầu tư tại tỉnh Đắk Nông.
Tại hội nghị, có 100 gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Đắk Nông tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Trong đó, tỉnh Đắk Nông có 33 gian hàng đến từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ; còn lại là gian hàng của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các sản phẩm tham gia trưng bày của tỉnh Đắk Nông chủ yếu là những mặt hàng nông nghiệp đặc trưng như: cà phê, tiêu, điều, bơ, mắc ca, chanh dây, cam quýt, các gian hàng được trưng bày, giới thiệu từ nay đến hết ngày 24/11.